Việt Nam chủ động chuẩn bị tham gia và đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Thứ năm - 14/10/2021 12:16
ÔNNĐD là một vấn đề toàn cầu, xuyên biên giới và liên ngành, đòi hỏi phải có sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới để giảm thiểu ô nhiễm RTN.
Ô nhiễm nhựa đại dương hiện là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu
Ô nhiễm nhựa đại dương hiện là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu

   Chung tay cùng với thế giới, Việt Nam đã đưa ra các cam kết, sáng kiến nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế biển. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD, thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam, tiên phong trong khu vực về ngăn chặn, giảm thiểu ÔNNĐD.

    Nỗ lực hình thành Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD

    Trước vấn nạn từ ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đại dương, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những hành động nhằm giải quyết cuộc “khủng hoảng” ô nhiễm nhựa - thách thức của nhân loại ngày nay. Trong đó, đáng chú ý là việc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã kêu gọi các nước đàm phán về một hiệp định quốc tế có tính pháp lý về ÔNNĐD tại kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5.2) sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022. Lời kêu gọi của WWF đã được đưa ra trong Tuyên bố Ngày Đại dương về ô nhiễm nhựa với sự ủng hộ của gần 80 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu, bao gồm cả Việt Nam. Theo đó, hầu hết các quốc gia đều thừa nhận ô nhiễm nhựa là “cuộc khủng hoảng” của thế giới và cần thiết phải đưa ra giải pháp thống nhất có tính toàn cầu. Đặc biệt, các nước cùng cam kết nỗ lực hướng tới việc thành lập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ với nhiệm vụ chuẩn bị một thỏa thuận toàn cầu mới có tính pháp lý về giải quyết ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận mới này là rất cần thiết để tăng cường trách nhiệm của các quốc gia trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa và thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về RTN trên biển, đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên có đông đảo các quốc gia cùng nhất trí về sự cấp bách phải tiến hành đàm phán để hình thành một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa trên toàn cầu. Thỏa thuận sẽ hướng đến việc giảm thiểu toàn diện RTN đại dương bằng cách đưa ra các biện pháp chính sách, kỹ thuật trong toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ nhựa, đồng thời có chế độ báo cáo chặt chẽ; thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

    Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD sẽ giải quyết những vấn đề sau: Cấu trúc quản trị toàn cầu hiện nay còn phân tán và chưa hiệu quả; Tham vọng và mục tiêu của mỗi quốc gia, khu vực đối với vấn đề ÔNNĐD là chưa rõ ràng; Không có nghĩa vụ chung nào đối với mỗi quốc gia trong việc triển khai các kế hoạch hành động quốc gia và không có tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá các báo cáo trong quản lý nhựa theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, tiêu dùng, đến thải bỏ, xử lý ô nhiễm; Chưa có cơ sở pháp lý toàn cầu đủ mạnh để giải quyết triệt để ô nhiễm nhựa; Không có cơ quan chuyên ngành được giao nhiệm vụ đánh giá tình hình thực tế của vấn đề ô nhiễm nhựa, đưa ra những hướng dẫn và định hướng chính sách chung, quy định cho mỗi vùng, quốc gia, lãnh thổ, tổ chức, cá nhân…

    Hành động của Việt Nam

    Nhận thức được tầm quan trọng của việc ngăn chặn, giảm thiểu ÔNNĐD, thời quan qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp quan trọng như: Ban hành các chính sách, thông qua Luật BVMT năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) về nhựa; ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển song song với việc BVMT và hệ sinh thái biển, Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030; tăng cường hợp tác quốc tế về giảm thiểu ô nhiễm nhựa; thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương; duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát quản lý rác thải nhựa đại dương.

    Hướng đến việc hoàn thành mục tiêu trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và giảm thiểu hiệu quả các loại hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Việt Nam đã tăng cường các hoạt động quản lý giảm thiểu chất thải nhựa, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Cụ thể, cuối năm 2020, Việt Nam đã khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, tái khẳng định cam kết cắt giảm 75% rác thải nhựa đại dương vào năm 2030 đã được đưa ra tại Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương. Tháng 5 vừa qua, Việt Nam cùng với các quốc gia Đông Nam Á khởi động Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021 - 2025, nhằm thúc đẩy hợp tác và áp dụng những giải pháp lâu dài liên quan đến quản lý rác thải nhựa.

    Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ủng hộ việc xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD và tiến hành các hoạt động xúc tiến đàm phán cho Thỏa thuận, Việt Nam cũng không thể “đứng ngoài cuộc”. Quan điểm của Việt Nam trong quá trình đàm phán là ÔNNĐD là vấn đề toàn cầu, nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam. Với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp tích cực vào việc giải quyết ô nhiễm nhựa, rác thải đại dương, tăng cường sự hiểu biết, ủng hộ và hỗ trợ hình thành Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD. Quán triệt tinh thần “Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc”, Việt Nam sẵn sàng tham gia thảo luận cùng các nước xây dựng một Thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

    Để minh chứng cho cam kết của mình trong việc ủng hộ xây dựng Thỏa thuận toàn cầu, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD. Đề án thể hiện quan điểm xuyên suốt của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề RTN đại dương, góp phần xây dựng, thực thi thành công mô hình nền KTTH, quản lý nhựa hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ quốc tế trong quá trình chuẩn bị tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD; thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các nghĩa vụ quốc tế liên quan trong quá trình tham gia đàm phán.

    Những nhiệm vụ cụ thể của Đề án

    Nhằm bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn nhân lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền và lợi ích, nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ÔNNĐD, Đề án đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán, tổng hợp thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán, bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập được cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia đối với khu vực và quốc tế trong các nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận.

    Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chính: 

    Một là, xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán: Đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về luật pháp quốc tế, kỹ năng đàm phán, các quy trình, thủ tục khi tham gia đàm phán; Phân tích, xây dựng các kịch bản đàm phán, đánh giá những thuận lợi, thách thức khi Việt Nam tham gia vào tiến trình đàm phán;

    Hai là, thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu: Rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến RTN mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi; các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến quản lý nhựa, trọng tâm là RTN đại dương; Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Theo dõi, thu thập thông tin, dữ liệu tại các diễn đàn quốc tế, tổng hợp các chương trình, dự án, các sáng kiến cấp khu vực, toàn cầu liên quan đến RTN đại dương;

    Ba là, bố trí nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán: Bố trí đầy đủ nguồn lực tài chính cho các hoạt động xây dựng, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Thỏa thuận;

    Bốn là, thiết lập cơ chế điều phối: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương để triển khai Đề án và các công tác chuẩn bị đàm phán, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng;

    Năm là, huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế: Huy động nguồn lực quốc tế đẩy mạnh nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới về ÔNNĐD; tăng cường năng lực cho các cán bộ có liên quan đến công tác đàm phán; Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối tác giữa khu vực chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và RTN, hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuẩn bị đàm phán;

    Sáu là, tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia: Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia chủ trì, phối hợp trong quá trình chuẩn bị cho đàm phán; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, giữa các cấp, ngành, giữa ngoại giao song phương, đa phương; Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đàm phán song phương, đa phương, với những đóng góp cụ thể của Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi và phù hợp điều kiện của Việt Nam; đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ÔNNĐD, khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.

    Ngoài ra, Quyết định số 1407/QĐ-TTg cũng nêu rõ, Bộ TN&MT được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng Báo cáo quốc gia về RTN đại dương làm cơ sở xây dựng lập trường của Việt Nam trong đàm phán Thỏa thuận; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật trong nước và các thỏa thuận quốc tế về quản lý chất thải và RTN đại dương để chuẩn bị cho việc tham gia Thỏa thuận; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng đàm phán cho các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, thực hiện thủ tục đề xuất đàm phán, ký kết Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD sau khi xác định được tên gọi, thẩm quyền, danh nghĩa đàm phán, ký kết, cũng như các nội dung cơ bản của Thỏa thuận, theo đúng quy định của Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc tế.

    Trên cơ sở các nhiệm vụ trên, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Đề án. Cụ thể, điều tra, khảo sát về tình hình RTN đại dương tại một số khu vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung và Nam (tại khu vực miền Bắc, tập trung khảo sát, thu thập tài liệu tại các tỉnh, TP. Quảng Ninh, Hải Phòng; tại miền Trung, tập trung khảo sát, thu thập tài liệu tại các tỉnh, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam; khu vực miền Nam, tập trung khảo sát, thu thập tài liệu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh).

    Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, xuyên biên giới và liên ngành mà không thể giải quyết chỉ thông qua các sáng kiến quốc gia hoặc khu vực, hoặc các biện pháp tự nguyện. Giải pháp đòi hỏi phải có hành động phối hợp, trách nhiệm chung và cách tiếp cận tập thể. Vì vậy, việc hình thành một Thỏa thuận mới mang tính ràng buộc pháp lý trên phạm vi toàn cầu để giải quyết vấn đề ÔNNĐD được coi là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm RTN đại dương, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu về ÔNNĐD vì mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Lưu Anh Đức - Phó Vụ trưởng

Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI)

                                         Nguyễn Kiên

                Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam, VASI

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tạp chí Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây