Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Nguyễn Minh Khuyến để làm rõ ý nghĩa và kế hoạch triển khai tổng kểm kê tài nguyên nước quốc gia trong thời gian tới.
PV: Thưa Phó Cục trưởng, Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025” vừa được Chính phủ phê duyệt, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của Đề án này?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản là tài sản công đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, theo quy định tại Luật Tài nguyên nước (Điều 12) tài nguyên nước được kiểm kê định kỳ 5 năm 1 lần. Tài nguyên nước luôn biến đổi nên phương pháp kiểm kê khác với các phương pháp kiểm kê tài sản khác và thực hiện kiểm kê cũng khó khăn hơn, do đó vậy đây là lần đầu tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.
Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 4/8/2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong việc triển khai kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương, làm rõ thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể về những đối tượng kiểm kê tài nguyên nước và sản phẩm kiểm kê lần này là gì?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Đối tượng kiểm kê là các vật thể chứa nước, sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, tầng chứa nước; số lượng, chất lượng các nguồn nước mưa, nước mặt, nước dưới đất; khai thác sử dụng nước.
Sản phẩm tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia sẽ công bố lần đầu 11 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu tài nguyên nước: số lượng nguồn nước mặt: số lượng sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá; số lượng tầng chứa nước; lượng nước mặt: tổng lượng dòng chảy, lượng nước mặt chảy vào, ra khỏi biên giới quốc gia (trung bình nhiều năm, mùa, tháng), tổng lượng nước chuyển giữa các lưu vực sông và tổng dung tích các hồ chứa trên phạm vi cả nước, từng địa phương và theo lưu vực sông; nước mưa: tổng lượng mưa; chất lượng nước mặt; lượng nước dưới đất: trữ lượng tiềm năng; trữ lượng có thể khai thác trong các tầng chứa nước (không bao gồm nước khoáng, nước nóng thiên nhiên); chất lượng nước dưới đất, diện tích phân bố nước mặn, nước ngọt trong các tầng chứa nước; khai thác sử dụng nước mặt; khai thác, sử dụng nước dưới đất; khai thác sử dụng nước biển; xả nước thải vào nguồn nước. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước quốc gia phục vụ các lần kiểm kê sau và phục vụ khai thác dữ liệu.
PV: Đây là lần kiểm kê tài nguyên nước có quy mô tổng thể, ông nhận định ra sao về những thuận lợi và khó khăn trong triển khai sắp tới?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Về mặt tổ chức thực hiện, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia có sự tham gia của các Bộ có liên quan đến khai thác sử dụng nước và 63 địa phương, nếu tổ chức thực hiện, phân công thực hiện không cụ thể, rõ ràng thì sẽ gặp khó khăn trong triển khai. Lường trước những khó khăn đặt biệt là sự phối hợp giữa các Bộ và địa phương, nên Bộ đã tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án nêu trên trong đó đã phân công cụ thể cho các Bộ có liên quan, các địa phương về đối tượng kiểm kê.
Hiện tại, Cục Quản lý tài nguyên nước đang xây dựng nội dung, hướng dẫn chi tiết trong kiểm kê, đặc biệt là hướng dẫn cập nhật, kiểm tra kết quả kiểm kê từ các địa phương vào phần mềm kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.
PV: Bộ TN&MT đã có những kế hoạch như thế nào để triển khai hiệu quả tổng kiểm tài nguyên nước nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến:
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả nguồn lực, Cục Quản lý tài nguyên nước đang xây dựng dự thảo để trình Bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiển tổng kiểm tài nguyên nước quốc gia, trong đó, các nội dung trọng tâm gồm: hướng dẫn, tập huấn công tác kiểm kê, kiểm kê tại thực địa, cập nhật kết quả vào phần mềm quản lý dữ liệu kiểm kê hiện cho các địa phương; công bố kết quả kiểm kê.
Kết quả kiểm kê sẽ công bố bức tranh chung về tài nguyên nước của Việt Nam, lượng nước nội sinh, từ nước ngoài chảy vào theo tháng, mùa năm, thực tế về lượng nước đang khai thác sử dụng, chất lượng nguồn nước để phục vụ xây dựng kế hoạch sử dụng nước, quy hoạch tài nguyên nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng nguồn nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Xuân Hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn