Cần Thơ nỗ lực phấn đấu để đạt được các tiêu chí bền vững về môi trường

Thứ năm - 04/11/2021 03:29
Mới đây, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 32 (Hội nghị ASOEN 32) và các hội nghị khác có liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 15 - 17/9/2021, Cần Thơ đã vinh dự nhận được Giải thưởng Thành phố (TP) ASEAN bền vững môi trường (AWGESC) lần thứ 5.
Bà Cao Thị Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ
Bà Cao Thị Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ

Cần Thơ là TP đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là thành phố thứ 5 của Việt Nam nhận được Giải thưởng này từ năm 2008. Nhân sự kiện này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ Cao Thị Minh Thảo về những nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý môi trường thời gian qua và định hướng phát triển bền vững của TP trong thời gian tới

PV: Thưa bà, để đạt được Giải thưởng AWGESC, Cần Thơ phải đáp ứng các tiêu chí gì? Theo ông/bà, Giải thưởng này có tác động tích cực như thế nào đến chính quyền và người dân thành phố?

Bà Cao Thị Minh Thảo: Năm 2017, TP Cần Thơ đạt được Chứng chỉ ASEAN TP tiềm năng bền vững môi trường về không khí sạch, đây chính là nền tảng để TP phấn đấu đạt được các tiêu chí bền vững về môi trường.

    Để đáp ứng các tiêu chí của một TP bền vững về môi trường, Cần Thơ đã bám sát các tiêu chí phát triển bền vững của quốc gia, cũng như từng bước tiếp cận các tiêu chí bền vững về môi trường của ASEAN. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách, giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề môi trường. Cụ thể, TP đã lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), trong đó, chính sách về BVMT luôn được các cấp lãnh đạo của TP quán triệt, triển khai sâu rộng. Các giải pháp luôn bám sát tầm nhìn, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo trong các quy hoạch, chiến lược phát triển KT - XH của TP, phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, ưu tiên BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phát triển TP thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.

    Đồng thời, TP cũng tổ chức thực hiện các chính sách và giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các ngành, lĩnh vực; quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về BVMT để phục vụ phát triển bền vững như xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Nhà máy XLNT sinh hoạt; cải thiện hệ thống cấp nước sạch nông thôn; mở rộng khả năng bao phủ của hệ thống thu gom nước thải. Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường; triển khai các dự án nhằm cải thiện chất lượng môi trường; khuyến khích, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; thực hiện các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”... Ngoài ra, TP còn tích cực hợp tác, hội nhập, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các quốc gia về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT.

    Nhờ những nỗ lực trên, các chỉ tiêu về môi trường của TP đạt tỷ lệ ngày càng cao, đáp ứng tiêu chí bền vững về môi trường của TP ASEAN. Theo đó, các chỉ số quan trắc cho thấy, chất lượng các thành phần môi trường đất, nước, không khí cơ bản được kiểm soát. Mặc dù, có một vài chỉ số vượt quy chuẩn cho phép tại một số thời điểm và chất lượng nước ở một số vị trí có chiều hướng ô nhiễm, nhưng đã được kiểm soát và có biện pháp khắc phục kịp thời. Khả năng đáp ứng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn TP đạt 100%; các KCN đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu là 83,3%, đối với các KCN chưa có hệ thống xử lý tập trung thì các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tự đầu tư hệ thống XLNT đạt yêu cầu trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Các trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục để kiểm soát chất lượng nước tại các vị trí có nguy cơ ô nhiễm giúp kịp thời giám sát chất lượng môi trường nước. Nhà máy XLNT sinh hoạt với công suất 30.000 m3/ngày.đêm đã vận hành, các khu đô thị mới đều có hệ thống XLNT cục bộ trước khi thải ra cống thoát nước.

    Hiện tại, Nhà máy xử lý CTRSH có công suất xử lý 400 tấn/ngày, phát điện 7.5 MW, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác sinh hoạt của thành phố. Tỷ lệ thu gom CTRSH ở đô thị đạt trên 98 %, tỷ lệ thu gom ở nông thôn khoảng 71%; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại đã được các cơ sở phát sinh chất thải thu gom, xử lý. Để thu gom chất thải trôi nổi trên sông, TP đã triển khai Dự án thí điểm hệ thống thu gom rác tự động trên sông, hiện hệ thống đã hạ thủy và đang chuẩn bị vận hành.

    Đặc biệt, TP rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về BVMT, nhất là giáo dục trong nhà trường. Các vấn đề BVMT, tài nguyên nhiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép trong các môn học và xây dựng thành chuyên đề trong chương trình giáo dục địa phương của TP, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT.

    Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, Cần Thơ đang từng bước đạt được các chỉ tiêu bền vững về môi trường và Giải thưởng TP ASEAN bền vững về môi trường lần thứ 5 là kết quả đáng ghi nhận mà TP đã vinh dự nhận được. Giải thường đã khẳng định vị thế, vai trò trung tâm, là động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Hơn nữa, còn là niềm tự hào của người dân Cần Thơ, góp phần tạo niềm tin, động lực trong quá trình xây dựng con người TP

PV: Được biết, Cần Thơ còn là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các TP BreatheLife của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Để có được kết quả trên, TP đã triển khai những hoạt động gì để tăng cường công tác quản lý môi trường, từng bước cải thiện chất lượng không khí, tăng khả năng chống chịu với BĐKH?

Bà Cao Thị Minh Thảo: Chiến dịch BreatheLife được sáng lập bởi WHO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Liên minh Không khí sạch và khí hậu, là một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và khí hậu, đồng thời, kêu gọi các nhà quản lý, tổ chức, cá nhân tăng cường các hoạt động để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

    Để đạt được kết quả trên, TP đã thực hiện nhiều mô hình giảm thiểu khí thải phát sinh trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, du lịch như mô hình KCN sinh thái; du lịch sinh thái; triển khai hệ thống xe điện phục vụ du lịch; Chương trình tiết kiệm năng lượng ở các cơ sở sản xuất… Qua đó,  đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

    Đồng thời, TP cũng xây dựng thành công “Kế hoạch hành động không khí sạch TP. Cần Thơ đến năm 2025”, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để TP đăng ký tham gia Mạng lưới này. Đây là cơ hội để TP học hỏi, chia sẻ với các TP khác trên thế giới về những giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, góp phần tìm kiếm nguồn lực đầu tư thông qua sự hỗ trợ truyền thông trên trang web của Breathelife. Ngược lại, cũng là dịp để các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện kết nối với các bên liên quan, cộng đồng nhằm góp phần thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí nói riêng và BVM T không khí nói chung.

 Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016

PV: Trong thời gian tới, Cần Thơ cần tập trung vào những giải pháp gì để giữ vững các danh hiệu trên, đồng thời xây dựng và phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại, xứng đáng là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông?

Bà Cao Thị Minh Thảo: TP ASEAN bền vững môi trường là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các TP tiêu biểu về chất lượng môi trường (không khí, đất, nước sạch) của các nước trong khu vực, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lãnh đạo các cấp của các quốc gia về tầm quan trọng của công tác BVMT. Giải thưởng này sẽ là động lực, tạo đà cho TP tiếp tục phấn đấu, xây dựng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xứng đáng là TP cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông.

    Nhận thấy rõ trách nhiệm trong việc giữ vững danh hiệu, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, nhưng Cần Thơ cũng xác định rõ, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành đối với công tác xây dựng, phát triển TP. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH, cụ thể thông qua một số giải pháp cơ bản như sau:

    Thứ nhất, thực hiện công tác quán triệt tuyên truyền, triển khai thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển TP. Cần Thơ bền vững;

    Thứ hai, triển khai tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, không chỉ của TP, mà cả vùng ĐBSCL;

    Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Đây là cơ sở để TP phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

    Thứ tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế.

    Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển KT - XH TP và vùng ĐBSCL; khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng.

    Thứ sáu, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch và thể thao của ĐBSCL.

    Thứ bảy, thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT sinh thái; hướng tới là trung tâm ứng phó với BĐKH của ĐBSCL.

    Thứ tám, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước; đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; phát huy vai trò trung tâm, trở thành hạt nhân liên kết của vùng; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh về một TP năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng hợp tác, có môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.

    Thứ chín, thực hiện các chương trình, dự án phát triển/nâng cấp đô thị, nhằm nâng cao khả năng thích ứng đô thị, vừa hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đê kè, cũng như hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nâng cao khả năng chống chịu của TP trong bối cảnh BĐKH; Chủ động phối hợp các tỉnh/TP trong khu vực và trong vùng, thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững TP. Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

    Ngoài ra, TP sẽ tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi của địa phương, tập trung vào các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch sông nước. Với các giải pháp trên, hi vọng Cần Thơ sẽ ngày càng phát triển, trở thành một TP có không gian phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, ngày càng phát huy bản sắc của một miền quê sông nước.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: tapchimoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây