Báo cáo nêu rõ, việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước luôn được quan tâm và kịp thời, nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên nước đối với các cấp, các ngành và đoàn thể. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyn nước trên địa bàn tỉnh.
Được sự hướng dẫn của Bộ TN&MT, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức hội nghị, tập huấn tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước như Luật, Nghị định, Thông tư đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong và ngoài ngành từ tỉnh tới cơ sở. Đặc biệt là triển khai các quy định về giám sát lưu lượng, mực nước và chất lượng nước dưới đất, nước mặt, nước thải và quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho công chức quản lý từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước được triển khai hiệu quả
Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật tài nguyên nước 2012, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền hơn 47 cuộc với 3.600 người tham dự; phổ biến pháp luật đến 3.070 đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Đồng thời, Sở TN&MT đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền về Ngày Nước thế giới; thực hiện chuyên mục tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm phổ biến, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý, bảo vệ môi trường nước mặt và nước dưới đất.
Nhằm cụ thể hóa việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành 03 văn bản về tài nguyên nước bao gồm: Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND ngày 02/3/2020 của UBND tỉnh tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý tài nguyên nước ban hành kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 của UBND tỉnh.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã phê duyệt “Quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; phê duyệt và chỉ đạo Sở TN&MT triển khai và công bố “Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; phê duyệt việc xác định và công bố vùng bảo hộ khu vực lấy nước sinh hoạt cho 28 cơ sở khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đang thực hiện nhiệm vụ “Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất”; trong thời gian tới, sẽ thực hiện mô hình thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt điển hình thuộc Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” do Chính phủ Đức tài trợ thông qua hợp tác của các cơ quan với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ TN&MT).
Công tác bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Sở TN&MT thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý rác thải đúng quy định; lập phương án nạo vét khơi thông dòng chảy tránh ô nhiễm nguồn nước. Hàng tháng, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan liên quan đã tổ chức công bố kết quả phân tích chất lượng nước mặt định kỳ tại một số điểm đo trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động về tài nguyên nước đều phải thực hiện quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho thành thị và nông thôn để hạn chế việc khoan giếng; thường xuyên phối hợp, kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước và hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, kịp thời xử lý vi phạm đối với các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước.
Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao
Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại được 532 giấy phép về tài nguyên nước. Trong đó, có 05 giấy phép thăm dò nước dưới đất, 41 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, 331 giấy phép khai thác nước dưới đất, 18 giấy phép khai thác nước mặt và 137 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
UBND tỉnh đã đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành 19 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước đối với 299 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Theo đó, đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp với tổng số tiền phạt là 223.000.000 đ. Qua thanh tra, kiểm tra làm cho ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã ban hành 167 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền nộp ngân sách gần 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh dã ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên nước đối với nước thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo mức của Bộ Tài chính để áp dụng cho việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo báo cáo, nguồn nước mặt trên địa tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là nước mặn từ biển vào, nước từ sông Hậu và nước mưa; nước mặn thường có khuynh hướng theo thủy triều xâm nhập sâu vào tỉnh Bạc Liêu từ các hướng triều biển Đông của tỉnh và triều biển Tây tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang; nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa tại chỗ và nguồn bổ sung từ sông Hậu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 nhà máy nước đô thị, 112 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn với tổng lưu lượng khai thác theo giấy phép được cấp là 66.660m3/ngày đêm. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nguồn nước thải như nước thải từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt, nước thải bệnh viện,…đa số đã được qua xử lý trước khi thải vào môi trường và có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Bộ TN&MT triển khai Hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó tại tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 02 trạm quan trắc nước dưới đất và đang triển thực hiện 1 trạm quan trắc nước mặt; đang phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam khảo sát 21 địa điểm trên địa bàn tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước và đã bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận các giếng khoan sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu nhằm giúp người dân ứng phó với hạn, mặn.
Tỉnh đã chủ động công tác phòng, chống hạn, mặn và đạt kết quả tốt, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp và khống chế không cho nước mặn xâm nhập vào; đang thực hiện rà soát, thống kê, tổng hợp, lập và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ công bố trong tháng 9/2020.
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, tỉnh Bạc Liêu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Chưa triển khai các nhiệm vụ về thống kê, điều tra cơ bản tài nguyên nước; đội ngũ công chức quản lý tài nguyên nước còn thiếu, nhất là ở cấp huyện; hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh hiện nay chưa được hoàn thiện, các trang thiết bị phục vụ việc giám sát, kiểm tra, quản lý còn thiếu; việc phân bổ kinh phí thực hiện cá nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, các hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên nước, mạng lưới quan trắc còn hạn chế; một số văn bản quy pháp pháp luật về tài nguyên nước chưa hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn lúng túng tại địa phương (quy định về giám sát tự động, trực tuyến đối với các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xác định vùng bảo hộ khu vực lấy nước sinh hoạt;…). Mặt khác, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các quy định về tài nguyên nước như khai thác chưa đăng ký, chưa xin phép, sử dụng nước lãng phí; các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh chưa chủ động tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật về tài nguyên nước; thiếu phối hợp trong việc giám sát, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước;…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn