Kể từ khi tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động động bảo vệ tầng ô-dôn nhằm thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, trong đó có những cam kết về việc cắt giảm, loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bằng nhiều hoạt động thực tế, từ năm 2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ một số chất làm suy giảm tầng ô-dôn như chất CFC, Halon, CTC. Riêng đối với chất HCFC-141b - nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng được loại bỏ hoàn toàn từ năm 2015. Theo thống kê, đến năm 2017, Việt Nam đã giảm 10% tổng mức tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Bên cạnh việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, ngay từ năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP làm cơ sở để quản lý và xây dựng lộ trình giảm tiêu thụ các chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao và là tác nhân gây biến đổi khí hậu (HFC) trong giai đoạn 2024 – 2045.
Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ô-dôn là việc luật hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có công tác bảo vệ tầng ô-dôn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo quy định của Luật, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành quy định chi tiết về bảo vệ tầng ô-dôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành danh mục và điều kiện sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal.
* Tập trung nguồn lực hoàn thành những mục tiêu mới
Tiếp tục những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước); giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang là cơ quan đầu mối triển khai hiệu quả giai đoạn II của Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam”. Hiện, Dự án đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường, cắt giảm các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, bảo vệ môi trường sống.
Đồng thời, trong 3 năm 2020, 2021, 2022, căn cứ trên lượng tiêu thụ các chất HFC, Việt Nam sẽ xác định được lượng tiêu thụ cơ sở, từ đó đặt ra lộ trình quản lý, cắt giảm các chất này trong giai đoạn 2024 - 2045.
Đặc biệt, vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Tại đây, chúng ta đã cam kết, cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 (bằng nguồn lực quốc gia); con số này sẽ lên đến 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế.
Để thực hiện tất cả các mục tiêu, cam kết trên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình thực hiện NDC; Dự thảo Nghị định giảm khí thải nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn… Trong đó, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2021 để có hiệu lực thi hành cùng với Luật Bảo vệ môi trường từ ngày 01/01/2022.
“Bên cạnh việc hoàn thành tốt các dự án đang được triển khai về loại trừ các chất suy giảm tầng ô-dôn, việc triển khai các quy định pháp luật và chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của tầng ô-dôn và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn