Bã kẹo cao su ảnh hưởng tới môi trường ra sao?

Thứ hai - 06/09/2021 09:35
Bộ TNMT đang tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm phải đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Hoàng Phượng
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Hoàng Phượng

Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có những trao đổi với bà Nguyễn Hoàng Phượng, Chuyên gia tư vấn pháp lý.

PV: Thưa bà, kẹo cao su và bã kẹo cao su có tác động như thế nào đến môi trường? Và vì sao sản phẩm này cần được điều chỉnh với chính sách EPR?

Bà Nguyễn Hoàng Phượng:

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, việc xử lý, giảm thiểu tác động môi trường của bã kẹo cao su được thải bỏ không đúng quy cách gây rất nhiều phiền toái và tốn kém cho chính quyền địa phương – người đang phải thực hiện và chi trả cho việc làm sạch đường phố và các khu vực công cộng.

Tổ chức Zero Waste Scotland ước tính, phải tốn 1,50 bảng Anh để làm sạch mỗi mẩu bã kẹo cao su, trong khi bản thân sản phẩm chỉ tốn vài xu. Còn theo Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nghị viện Anh, các chính quyền địa phương đã chi hơn 400 triệu bảng Anh cho việc dọn dẹp đường phố mỗi năm.

Ở Việt Nam, bã kẹo cao su không chỉ được tìm thấy trên vỉa hè, nó còn bị gắn, dính cả ở những khu di tích tôn giáo, lịch sử, ghế đá của các quảng trường, công viên, nhà hát, trường học... Điều này không chỉ mất mỹ quan khu vực công cộng mà còn gây khó khăn trong việc tìm được bã kẹo để làm sạch.

Thêm nữa, việc làm sạch bã kẹo cao su bám dính được thực hiện hoàn toàn thủ công, người lao công khi quét đường phải dùng vật sắc, nhọn để cạo bã nhưng vẫn không làm sạch hoàn toàn được. Điều này không chỉ dẫn đến việc tốn công lao động và giảm hiệu quả của việc quét dọn mà còn không đạt được mục tiêu làm sạch hoàn toàn bã kẹo cao su. Mặc dù, hiện tại, ở Việt Nam chưa có tính toán về chi phí làm sạch bã kẹo cao su nhưng rõ ràng việc xử lý kẹo cao su làm gia tăng chi phí làm sạch đường phố ở các địa phương. Vì vậy, kẹo cao su cần được điều chỉnh bởi các chính sách môi trường, trong đó có EPR.

Mặt khác, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm thay thế cùng loại như kẹo ngậm, nước súc miệng, kẹo cao su có thành phần hoàn toàn thiên nhiên, kẹo ngậm có nicotine… đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng mà ít gây tác động đến môi trường, ít gây khó khăn cho người lao động và tốn kém ngân sách công cho làm sạch đường phố như kẹo cao su.

Việc áp dụng chính sách môi trường hay EPR giúp chuyển thông điệp về tác động môi trường cho người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn sản phẩm; giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tương tự thân thiện hơn với môi trường có khả năng cạnh trạnh thông qua cơ chế giá.

PV: Chính sách về EPR có hai cơ chế, một là doanh nghiệp có thể tự thực hiện việc tái chế và đóng tiền, hai là đóng Quỹ Bảo vệ môi trường, vậy tại sao kẹo cao su lại thuộc nhóm hai, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Phượng:

Theo tôi, mục tiêu cao nhất của EPR là hướng tới việc các nhà sản xuất phải cân nhắc các tác động và chi phí môi trường ngay trong quá trình thiết kế và sản xuất các sản phẩm của mình – đây cũng chính cách tiếp cận của Điều 54 Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cách tiếp cận này không phù hợp với sản phẩm kẹo cao su. Bởi, việc thay đổi sản phẩm kẹo cao su thân thiện hơn với môi trường đồng nghĩa với yêu cầu thay đổi về độ dính hoặc khả năng phân hủy sinh học của kẹo cao su sẽ đòi hỏi sự thay đổi cấu trúc hóa học của chất nền kẹo cao su (gum-base) – việc này khó khả thi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có cả nguyên nhân bí mật thương mại.

Tiếp đó, Điều 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thiết kế với cách tiếp cận nhằm bù đắp chi phí và tác động môi trường do các sản phẩm, bao bì có một trong bốn đặc tính chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế; gây khó khăn cho thu gom hoặc gây khó khăn cho xử lý gây ra đối với môi trường. Mà kẹo cao su lại đáp ứng 2 trong 4 tiêu chí này. Chính vì vậy, việc xếp kẹo cao su vào nhóm các sản phẩm đóng Quỹ Bảo vệ môi trường là hợp lý.

PV: Mức đóng góp này có phải là thuế, phí hay lệ phí về môi trường không, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Phượng:

Thứ nhất, tiền đóng gói tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường theo Điều 55 Luật Bảo vệ Môi trường không phải là thuế hay phí, lệ phí theo định nghĩa của chính các khoản thu này.

Thứ hai, tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường không phải là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Tiền đóng góp tài chính vào Quỹ nhằm thực hiện nguyên tắc bù đắp những tác động môi trường mà các dòng chất thải cụ thể gây ra, không phải các hoạt động quản lý Nhà nước nói chung như các nguồn chi từ ngân sách.

Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng các công cụ tài chính trong EPR cũng nêu rõ nguồn thu từ EPR phải được sử dụng cho việc xử lý các vấn đề môi trường do việc thải bỏ các sản phẩm, bao bì sau tiêu dùng. Kể cả khi các quốc gia việc sử dụng công cụ thuế (ví dụ thuế nguyên liệu – material taxes) thì theo cách tiếp cận của EPR cần phải được đánh dấu (earmarked) và sử dụng cho việc thu thập, phân loại và xử lý các sản phẩm sau khi tiêu dùng. Việc hòa chung các nguồn thu vào ngân sách và quản lý theo Luật Ngân sách không đảm bảo các nguồn thu được sử dụng đúng mục đích của EPR. Do đó, tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường không nên và không phải khoản thu và chi theo các quy định liên quan của ngân sách.

Thứ tư, ở Việt Nam đã có tiền lệ trong việc áp dụng khoản thu không thuộc ngân sách như đề xuất tại Điều 55 Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Cụ thể là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp). Khoản thu này không thuộc về ngân sách, không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, mà đồng thời, tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.

Do đó, khoản thu từ đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường theo Điều 55 cũng sẽ là mô hình tương tự, trong đó, cơ sở pháp lý cho việc quy định về việc đóng góp tài chính được xác lập ngay trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

PV: Vậy số tiền đóng góp này sẽ được sử dụng như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Hoàng Phượng:

Ngoài các khoản chi hỗ trợ cho công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt (bã kẹo cao su cũng được coi là chất thải sinh hoạt), nguồn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ được dùng một phần để truyên truyền và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc thải bỏ đúng cách, hoặc lựa chọn các sản phẩm thay thế ít tác động hơn đến môi trường. Hiện, pháp luật đã có quy định xử phạt hành vi thải bỏ bã kẹo cao su không đúng quy cách với mức phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Người dân cần được tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trong việc thải bỏ bã kẹo, giữ vệ sinh môi trường xung quanh.

Ngoài ra, Quỹ cũng nên hợp tác với các công ty sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su khác để thực hiện in trên nhãn sản phẩm nhắc nhở người tiêu dùng thải bỏ kẹo cao su không đúng chỗ.

Mặt khác, nguồn tiền từ Quỹ cũng có thể dành cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý bã kẹo cao su hiệu quả hơn. Ví dụ mô hình thùng rác cho kẹo cao su (Gumdrop màu hồng cố định hay Gumdrop on Go di động có thể treo cùng móc chìa khóa) được thực hiện ở Scotland…

Theo tôi, số tiền đóng góp này nên dùng để hộ trợ cho các địa phương trong việc thu gom và xử lý chất thải là chính.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Tác giả: Phạm Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây