Thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng, ảnh hưởng nặng nề với mức độ và quy mô chưa từng có của các vấn đề toàn cầu là đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết cứ mỗi phút có 01 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống…
Tại Việt Nam, theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 64.658 tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm, tăng 46% so với năm 2010; chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN.
Rác thải nói chung, rác thải nhựa, bao bì nói riêng khi thải ra ngoài môi trường sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và các loài sinh vật khác.
Chính vì vậy, quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải bao bì đang là vấn đề bức thiết, là thách thức hiện nay của các quốc gia trên thế giới bởi tính phổ biến, tiện dụng trong đời sống hàng ngày của các sản phẩm sản xuất từ nhựa, trong khi năng lực tái chế còn rất hạn chế.
Để vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do chất thải bao bì nói riêng, trong những năm gần đây, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại các giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Môi trường
Nhận thức rõ vấn đề này, Luật BVMT được Quốc hội Khóa 14 thông qua năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT. Luật cũng đã thể chế hóa quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
Luật BVMT đã xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam
Nhằm góp phần đưa Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, phát huy những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, chiều 08/12/2021, Tổng cục Môi trường và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về BVMT và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững.
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác BVMT, nhất là cộng đồng DN và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; tái chế, tái sử dụng chất thải; quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế và tái sử dụng bao bì trong tương lai.
Với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về BVMT trong phạm vi cả nước, Tổng cục Môi trường đánh giá cao ý thức và sự chủ động nỗ lực, hành động và phối hợp hiệu quả của Công ty Nestlé Việt Nam với Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT trong việc đồng hành, chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải, quản lý bao bì bền vững nói riêng và BVMT nói chung.
Triển khai Thỏa thuận hợp tác này, Tổng cục Môi trường và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam sẽ có các hoạt động triển khai cụ thể ngay trong tháng 12 năm 2021, trong đó tập trung tuyên truyền những nội dung mới của Luật BVMT năm 2020 và đề ra các hoạt động cho những năm tiếp theo. Sự tiên phong của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều DN, cộng đồng DN cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững./.
Nội dung chính của Thỏa thuận hợp tác bao gồm: 1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 2. Tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến các đối tượng liên quan để hiểu rõ và thực hiện. 3. Triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến về phát triển bao bì thân thiện với môi trường, thu gom, xử lý, tái chế bao bì (gồm có bao bì nhựa) hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy, hướng đến kinh tế tuần hoàn. 4. Hỗ trợ và chia sẻ ý kiến chuyên môn theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của hai bên nhằm phát huy tối đa hiệu quả các đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường. |
Nguồn tin: vea.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn