Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam” (NAP-GCF), nhằm hướng dẫn nội dung đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho các đại biểu đến từ các đơn vị trong các Bộ TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục, Y tế...và các Sở TN&MT ở các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí Hậu Nguyễn Tuấn Quang cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều hành động quan trọng để thích ứng, trong đó có việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài các nỗ lực trong nước, Chính phủ Việt Nam cần có sự hỗ trợ của quốc tế trên cả phương diện kỹ thuật, nhân lực và tài chính; đặc biệt trong các hoạt động về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xác định giải pháp thích ứng cho từng vùng, phân tích chi phí - lợi ích cho các nhóm ngành, tiểu ngành dễ bị tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Dự án NAP-GCF dưới sự tài trợ của Quỹ khí hậu xanh (GCF) và sự hỗ trợ thực hiện của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) được thực hiện nhằm giúp Việt Nam xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, và địa phương.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp Đồng thời, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, nội dung đánh giá rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương cho các lĩnh vực ưu tiên là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phân tích tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo cơ sở để đề xuất các giải pháp thích ứng với những tác động bất lợi gây nên bởi biến đổi khí hậu.
|
Ông Phạm Văn Sỹ phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Sỹ, Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong một phạm vi không gian và thời gian xác định. Để nhận diện và sàng lọc các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, phải dựa vào thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn như: Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để xác định tính dễ bị tổn thương và rủi ro, phải xác định được các chỉ số thành phần như: Các chỉ số thành phần hiểm họa; phơi bày; nhạy cảm; khả năng thích ứng. Đặc biệt, các chỉ số thành phần được lựa chọn dựa trên: Phạm vi không gian, thời gian, tính khả thi.
Đơn cử như, khi xác định các chỉ số thành phần hiểm họa đối với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta phải xác định được các chỉ số như: Thay đổi nhiệt độ trung bình năm (độ/năm); Thay đổi nhiệt độ tối thấp; Thay đổi nhiệt độ tối cao; Thay đổi số ngàt rét hại dưới 13 độ; Thay đổi số ngày rét đậm dưới 15 độ; Thay đổi số ngày nắng nóng… Từ những thay đổi trên sẽ dẫn tới thay đổi loại cây trồng truyền thống tại địa phương, gia tăng vùng cây trồng nhiệt đới; làm giảm năng suất cây trồng do dịch bệnh có điều kiện phát triển, nhu cầu nước cho cây trồng tăng trong khi nguồn nước bị hạn chế do hạn hán; làm thay đổi mùa vụ.
|
Ông Phạm Nguỵ Trường, Chuyên gia về biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ rõ hơn về tổn thất và thiệt hại (TT&TH) do biến đổi khí hậu, ông Phạm Nguỵ Trường, chuyên gia biến đổi khí hậu cho biết, TT&TH là những mất mát, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội do các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra.Trong đó, Chỉ số TT&TH về kinh tế áp dụng đối với hệ thống kinh tế gồm các chỉ số về hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ, CSHT, nhà ở và tài sản, thu nhập, việc làm và các loại khác. Chỉ số TT&TH phi kinh tế áp dụng đối với các hệ thống tự nhiên, xã hội và cộng đồng dân cư.
Muốn đánh giá, xác định TT&TH do biến đổi khí hậu phải xác định các chỉ số TT&TH về kinh tế và phi kinh tế; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu trong quá khứ; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu trong tương lai; Tính toán, phân tích TT&TH về kinh tế trong quá khứ và tương lai; Phân tích TT&TH phi kinh tế trong quá khứ và tương lai; Tổng hợp kết quả, xác định TT&TH về kinh tế và phi kinh tế.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Cụ thể, thông tin, dữ liệu trong quá khứ là thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm thời gian xảy ra, khối lượng, quy mô, mức độ thiệt hại, chi phí khắc phục và thông tin khác có liên quan. Thông tin, dữ liệu trong tương lai là thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm dự báo về khối lượng, quy mô, mức độ TT&TH căn cứ mốc thời gian theo mục tiêu đánh giá…
Những chia sẻ, hướng dẫn của các chuyên gia tại Hội thảo được đông đảo các đại biểu đã đánh giá là hữu ích và bày tỏ mong muốn Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội thảo về vấn đề này.
Theo báo cáo tại Hội thảo, nhận diện sơ bộ tác động của biến đổi khí hậu tới tài nguyên môi trường tại tỉnh Quảng Ngãi như sau: Nước biển dâng làm các nguồn nước ngọt sẽ bị nhiễm mặn; Hạn hán dẫn tới suy kiệt nghiêm trọng nguồn nước mặt và ngầm; Biến đổi khí hậu làm thay dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ, cả hai dòng chảy này đều có xu thế tăng trong tương lai; Dòng chảy mùa kiệt có xu thế giảm so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các khu vực của tỉnh Quảng Ngãi, mức độ thay đổi dòng chảy lớn nhất xảy ra ở các huyện Ba Tơ, Mộ Đức và Đức Phổ.
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn