Tạo chuyển biến tích cực trong bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước

Thứ ba - 13/12/2022 22:24
Sáng 12.12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật”.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc; đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số bộ, ngành, địa phương.

Tạo chuyển biến tích cực trong bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, Luật Tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 21.6.2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Cùng với đó là nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia đã được ban hành trong thời gian qua. Thực tế này đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.

 Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp, cập nhật cho đại biểu tham dự những kiến thức, thông tin về tài nguyên nước và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật tài nguyên nước sửa đổi. Đồng thời, là diễn đàn để trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, đặc biệt là các chính sách trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp sắp tới.

Tạo chuyển biến tích cực trong bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng Nguyễn Khắc Hùng, hiện tại, hiệu suất sử dụng nước mới đạt khoảng 12%, nước đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống cần đặc biệt quan tâm tại Việt Nam. Một trong những trọng tâm trong bảo vệ môi trường năm 2022 - 2023 của Chính phủ là sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới bảo đảm an ninh nguồn nước cho Việt Nam.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại của Luật Tài nguyên nước hiện hành và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Những điểm mới trong việc xây dựng dự án Luật bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước, coi tài nguyên nước là tài sản công và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất, toàn diện, phù hợp với thực tiễn.

Tạo chuyển biến tích cực trong bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng, những năm gần đây, nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt so với trước. Theo đó, đã đặt ra yêu cầu phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý tài nguyên nước bước đầu đã theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác. Thời gian tới, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá toàn diện về năng lực thực thi pháp luật (nhân lực, tài chính) của ngành nước ở tất cả các cấp để bảo đảm tài nguyên nước - nguồn tài nguyên thiết yếu của cuộc sống, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia được quản lý, phát triển, bảo vệ thực sự bền vững.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây