Nâng cao nhận thức, chuẩn hóa phương tiện thu gom

Thứ ba - 20/12/2022 23:21
Đa phần người dân vẫn chưa hình thành được thói quen phân loại rác thải tại nguồn, chưa nhận thức được lợi ích to lớn về phân loại rác tại nguồn mang lại; phương tiện thu gom chưa được chuẩn hóa… là những khó khăn, vướng mắc trong phân loại, thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại TP. Hồ Chí Minh. 

Chưa hình thành thói quen

Chỉ ra những khó khăn, thách thức trong công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn tại các thành phố lớn nói chung, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, ý thức phân loại rác của dân cư đô thị chưa cao, chưa thấy được lợi ích to lớn về phân loại rác tại nguồn mang lại.

Nâng cao nhận thức, chuẩn hóa phương tiện thu gom

Cần chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thải.

Thống kê sơ bộ, lượng rác thải ở TP. Hồ Chí Minh tăng trung bình khoảng 10%/năm. Điều đáng nói, lượng rác thải đang khiến cho lực lượng thu gom thêm vất vả, nặng nhọc và tốn kém cho ngân sách của thành phố. Thực tế, sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" và thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhưng đến thời điểm này, đa phần người dân chưa hiểu rõ về hoạt động này, chỉ tách riêng các chai, lọ có thể tái chế còn các loại rác khác đều được gộp chung một chỗ. Theo một số người dân, việc phân loại rác ở TP. Hồ Chí Minh vẫn khó thực hiện vì chưa có sự đồng nhất giữa đơn vị thu gom và ý thức người dân. 

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, với quy mô dân số xấp xỉ 1,3 triệu dân, hàng ngày khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần thu gom, vận chuyển và xử lý tại TP. Thủ Đức là khoảng 1.300 - 1.500 tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện còn có những bất cập, từ việc tuyên truyền vận động nâng cao ý thức cộng đồng, đến khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa được tháo gỡ. Không những vậy, tại nhiều tuyến đường, công viên, gầm cầu, kênh rạch, đất trống dự án chưa triển khai… từ các quận trung tâm đến huyện vùng ven, đều có thể dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của các bãi rác tự phát, tràn lan trên các vỉa hè. 

Thực trạng nhức nhối hơn ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay là công tác thu gom, vận chuyển rác trên các dòng kênh. Riêng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mỗi ngày, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh phải bố trí khoảng 22 công nhân cùng các phương tiện chuyên dụng để thu gom rác trên dòng kênh này. Tương tự, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Gò Vấp cũng thường xuyên phối hợp với các phường và khu phố ra quân thu gom rác trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư, trên kênh, rạch. Có khi trong một ngày, lực lượng hỗn hợp này thu gom được hơn 50 tấn rác; nhưng sau đợt ra quân, rác vẫn bị xả ra nơi vừa được dọn dẹp.

Hạn chế về phương tiện thu gom, xử lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố đã ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thực hiện công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thời gian qua cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thu gom ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình phân loại rác tại nguồn. Đơn vị thu gom không đủ phương tiện vận chuyển để thu gom vận chuyển riêng các loại rác sau phân loại, dẫn đến tình trạng người dân phân loại nhưng đơn vị thu gom lại gộp chung trong quá trình vận chuyển về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý, đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2020 khi TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại rác tại nguồn làm 3 loại.

Ông Tống Viết Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi ngày toàn thành phố thải ra khoảng 8.600 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Số rác này được các công ty thu gom khoảng 40% còn 60%, còn lại do hệ thống dân lập thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn phương tiện thu gom vận chuyển của nhóm dân lập còn thiếu, chưa đạt chuẩn vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND phường 3 (quận Gò Vấp) Ngô Xuân Bình nhận định, bất cập hiện nay là các phương tiện thu gom chưa được chuẩn hóa, chủ yếu xe lôi, thô sơ nên người dân phân loại xong thì người thu gom lại bỏ chung một xe. Quan trọng nhất vẫn là phương tiện thu gom, nếu phương tiện đạt chuẩn, người thu gom kiên quyết không thu gom của những người không phân loại thì 2, 3 ngày người dân sẽ tự giác phân loại. 

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Như Xuân, Chủ tịch UBND phường 12, quận Tân Bình cùng chung ý kiến, cần phải giải quyết được vấn đề phương tiện thu gom thì mới phân loại rác tại nguồn tốt được. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nếu người dân không phân loại rác thì người thu gom được quyền từ chối thu gom, muốn vậy, trước tiên phải đầu tư trang thiết bị thu gom rác phù hợp với việc triển khai phân loại rác, đồng thời thiết lập quy trình thu gom, ví dụ thu gom rác hữu cơ ngày nào, vô cơ ngày nào đồng bộ trên toàn thành phố. 

Thực tế tại TP. Thủ Đức, toàn TP. Thủ Đức có 17 doanh nghiệp tư nhân, 4 doanh nghiệp công lập và 8 hợp tác xã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn; phương tiện vận chuyển có 97 xe ép rác đạt chuẩn, hơn 350 xe thô sơ chưa đạt chuẩn và 46 thùng 660L. Rác thải sinh hoạt tại các trạm trung chuyển, điểm hẹn được vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước để xử lý theo quy định. Theo Kế hoạch của UBND thành phố đến hết năm 2023 đối với các quận nội thành, TP. Thủ Đức yêu cầu rác dân lập chuyển đổi phương tiện chuyên dùng thu gom rác. Để thực hiện việc này, ngoài chuyển đổi phương tiện, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài giải pháp hỗ trợ vay tài chính cho rác dân lập mua xe rác, TP. Thủ Đức cần hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp về vấn đề trên.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây