Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Thứ ba - 13/12/2022 22:21
Khi nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng. Nhưng sự phân bố nước lại không đều giữa các vùng đã dẫn tới sự mất cân đối giữa cung-cầu về nước sạch. Như vậy, loại tài nguyên này tưởng như là vô tận lại trở thành có hạn.

Tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam hiện nay

Với địa hình 3/4 diện tích là đồi núi, lại bị chia cắt dữ dội, điều kiện khí hậu nhiệt đới-ẩm-gió mùa, sông ngòi nước ta khá dày đặc. Mật độ sông ~ 0,5 - 1,2 km/km2. Cả nước có 2360 con sông có chiều dài 10 km, bao gồm 124 hệ thống sông với tổng diện tích lưu vực 292.470km2. Có 10 lưu vực sông chính (Bằng Giang-Kỳ Cùng; Hồng-Thái Bình; Mã; Cả; Thu Bồn; Đà Rằng; Đồng Nai; Cửu Long; Xêsan; Xrêpốc); diện tích lưu vực > 10.000km2; 10 lưu vực này chiếm 80% diện tích; 70% nguồn nước và trên 80% dân số cả nước.

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa: Tổng lượng dòng chảy của tất cả các sông ~ 880km3/năm (lượng dòng chảy sinh ra trong nước 325 km3, chiếm 37% tổng lượng dòng chảy năm). tổng lượng cát bùn hàng năm do sông vận chuyển ra Biển Đông ~ 200 triệu tấn (sông Hồng 120 triệu tấn, sông Cửu long 70 triệu tấn)

Những dòng chảy lớn: sông Mê Công, diện tích lưu vực 795.000 km2, thuộc phần lãnh thổ Việt Nam 72.000 km2 (~ 9%). Tổng lưu lượng nước 520,6 tỉ m3 (Việt Nam 10%). Hệ thống sông Hồng-Thái Bình, diện tích lưu vực 169.000 km2 (thuộc phần lãnh thổ Việt Nam 51%), tổng lượng dòng chảy 137 tỉ m3 (Việt Nam 68%). Như vậy, nếu ở thượng nguồn của hai hệ thống sông lớn này khai thác mạnh tài nguyên nước (đặc biệt trong mùa khô) thì nguồn nước có thể khai thác ở Việt Nam sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, vấn đề sử dụng chung nguồn tài nguyên nước của các sông này đã trở nên cấp bách trong thế kỷ XXI này, đây cũng là vấn đề cần hợp tác với các nước có liên quan.

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Tài nguyên nước ngầm của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được thăm dò, đánh giá đầy đủ. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy phần lớn nước ngầm chứa trong các thành tạo ở độ sâu từ 10-100 m. Các phức hệ có khả năng khai thác đó là phức hệ trầm tích rời bở tập trung ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ven biển miền Trung, phức hệ trầm tích cácbonat phân bố chủ yếu ở Đông Bắc, Tây Bắc, vùng Bắc và Bắc Trung Bộ, phức hệ đá phun trào (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ).

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Tổng trữ lượng động thiên nhiên của cả nước 1.513 tỉ m3/s (lưu lượng dòng ngầm ở một cắt nào đó của tầng chứa nước). Trữ lượng khai thác thăm dò khoảng 3,3 tỉ m3. Nước ngầm phân bố không đều trong cả nước, tập trung nhiều nhất ở các vùng đồng bằng (nhưng thường bị nhiễm mặn, hàm lượng sắt và độ axit cao), rất hạn chế trong các vùng núi đá vôi và trong tầng ba dan. Khai thác nước ngầm chủ yếu cung cấp nước cho đô thị, sản xuất công nghiệp, nước sạch cho các vùng nông thôn, đối với các vùng chuyên canh cây công nghiệp (cà phê Tây Nguyên) lại càng quan trọng

Ý nghĩa kinh tế của hệ thống sông ngòi nước ta

Tạo nên các đồng bằng rộng lớn (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long Duyên hải miền Trung); thuận lợi cho nền nông nghiệp lúa nước, định canh. Tạo điều kiện tập trung dân cư và phát triển các ngành kinh tế khác. Chính vì thế, ở ven sông thường tập trung các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp, dịch vụ; Các vùng ven sông và các cửa sông còn hình thành các cảng rất lớn (Cần Thơ); Nhiều cửa sông rộng (hình phễu) rất thuận lợi cho tàu bè ra vào; Các sông ngòi nếu được nạo vét thường xuyên sẽ là hệ thống giao thông vận tải lý tưởng.

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Về thủy điện, sông ngòi nước ta có giá trị về thủy điện rất lớn. Tổng trữ năng (lý thuyết) 28-30 triệu kw. Sản lượng điện ~ 250 tỉ kw/h/năm (khả năng cho khai thác 60 tỉ kw/h/năm), hiện nay chúng ta mới khai thác trên 50%. Như vậy khai thác thủy điện có ý nghía rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên nước.

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Những hạn chế của nguồn tài nguyên nước

Tính chất bất thường của thủy chế (lũ và kiệt). Lũ lụt năm nào cũng xảy ra gây thiệt hại rất lớn cả về người và của của nhân dân. Mùa kiệt, lượng dòng chảy nhỏ, nước mặn vào khá sâu trong đất liền, riêng ở hai đồng bằng lớn trong phạm vi 30 - 50 km từ cửa sông vào là chịu ảnh hưởng của triều biển sông Hồng (20km), sông Thái Bình (40km), sông Tiền (50km), sông Hậu (40km).

Tài nguyên nước với sự phát triển kinh tế xã hội

Ảnh minh họa.

Dòng chảy cát, bùn (phù sa) lớn, ước tính hàng năm các sông đổ ra biển ~ 200 triệu tấn phù sa (sông Hồng 120 triệu tấn; sông Cửu Long 70 triệu tấn). Nếu ở thượng lưu, rừng bị khai thác quá mức, hiện tượng xói mòn đất diễn ra ngày càng mạnh, thì lượng bùn đổ ra biển càng lớn. Phù sa một mặt bồi đắp cho các đồng bằng, nhưng mặt khác nó còn lắng đọng trong hệ thống kênh mương, hồ chứa nước, các đập thủy điện, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên nạo vét lòng sông rất tốn kém.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây