Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, tại Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cho thấy, dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng chính sách phát triển bền vững ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả, nhất là việc kiến tạo các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong chủ trương thích ứng thuận thiên, việc phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng được xếp hàng đầu.
Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đồng thời, chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp thích ứng với BĐKH như Mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những chính sách này cho thấy, sự chuyển đổi phù hợp và bắt kịp với xu hướng chung của quốc tế.
Năm 2021, đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề nhưng cũng là cơ hội để giúp phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện tự nhiên, ứng phó với BĐKH. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam tại COP 26 vừa qua. Đặc biệt, tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng đã đưa ra các cam kết trong việc cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 và cam kết đạt “Net zero” vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh và đánh giá cao.
Thích ứng thuận thiên là một trong những chủ trương đúng đắn trong phát triển bền vững ĐBSCL |
Do đó, giai đoạn tới ĐBSCL cần phải xây dựng Chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên.
Cũng tại Hội thảo, trao đổi về tiềm năng để các địa phương tiếp cận với nguồn lực ứng phó BĐKH, TS. Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, BĐKH gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đến từng cá nhân, tổ chức ở các cấp độ từ Trung ương đến địa phương, trên mọi lĩnh vực môi trường, kinh tế, chính trị và xã hội. Ứng phó để thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện với sự cam kết và trách nhiệm tham gia của nhiều bên liên quan bao gồm cả các thiết chế phi nhà nước.
Trong đó, doanh nghiệp, tư nhân và các tổ chức xã hội vừa là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là tác nhân làm gia tăng các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp là một bên tham gia quan trọng trong quá trình thích ứng với BĐKH hiện nay. Chính vì vậy, các địa phương cần có chính sách mở rộng nguồn lực đầu tư cho ứng phó với BĐKH, thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân và các Quỹ đầu tư quốc tế…
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn