Cần "cuộc cách mạng" trong bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 19/06/2020 21:46
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng công tác bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải tạo ra một cuộc cách mạng thật sự về môi trường
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là một trong những nội dung thảo luận chính vào ngày 9 và 16-6 tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 nhằm đặt ra những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ môi trường vốn đang bị xâm hại nghiêm trọng.

- Phóng viên: Tờ trình của Chính phủ khẳng định khi xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, BVMT bảo đảm được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế… Vậy dự luật đã có giải pháp để giải bài toán này hay chưa, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
- Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG: Luật tạo ra khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hành vi. Trước hết, đó là sự tuyên bố về mặt chính sách; tiếp theo là sự thẩm thấu các quy định về lĩnh vực BVMT vào đời sống xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của môi trường.

Nếu chúng ta kỳ vọng đạo luật này có thể giải quyết hết những bất cập, cũng như tự nó mang lại những giá trị tốt đẹp mà ta mong muốn, là điều không thể. Bởi lẽ, có luật rồi vẫn có thể tồn tại sự dối trá của doanh nghiệp (DN) trong những hồ sơ về môi trường khi xin đầu tư. Nhưng có luật rồi sẽ giúp chúng ta có cơ sở để đánh giá, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Luật này được ban hành có thể sẽ đáp ứng được tinh thần "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" như Chính phủ trình.

Dự thảo luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính; tích hợp từ 7 "giấy phép con" chỉ còn 1 giấy phép môi trường.

Tôi rất đồng tình với quan điểm "7 trong 1" mà Chính phủ đã thể hiện trong Tờ trình trước Quốc hội. Việc tích hợp giúp giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết. Nếu đánh giá đầy đủ tính hiệu quả của việc này, mỗi năm có thể giúp tiết kiệm cho người dân, DN, nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Nếu bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết sẽ đem lại lợi ích chung cho cả xã hội. Tôi nghĩ việc làm này sẽ được người dân và DN rất ủng hộ.

Hỏi: Theo quy định hiện hành, việc thanh tra đột xuất phải được công bố trước nhưng làm như thế sẽ dễ bị DN vi phạm đối phó?

- Theo tôi, chỉ công bố trước khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch, thanh tra hành chính, thanh tra thường xuyên. Còn khi có tin báo hoặc tố cáo về hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý phải được thanh tra đột xuất không cần báo trước. Nếu thông báo trước, họ tẩu tán hết chứng cứ vi phạm thì còn thanh tra cái gì nữa?

Tôi đồng ý với dự luật là thanh tra đột xuất không cần thông báo trước để việc ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định rõ người ký quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh tra của mình.

Hỏi: Ông nhận định gì về ý kiến cho rằng công tác kiểm tra, thanh tra có sự chồng chéo giữa lực lượng thanh tra tài nguyên - môi trường và cảnh sát môi trường?

- Đúng là DN kêu ca không ít về vấn đề này. Tôi cũng cảm giác đang có sự chồng chéo trách nhiệm giữa hai lực lượng trong nhiệm vụ BVMT. Cảnh sát môi trường là lực lượng giúp ngành công an thực hiện chức năng phòng chống tội phạm chứ không phải là phòng chống vi phạm pháp luật. Còn chức năng quản lý nhà nước, trong đó có thanh - kiểm tra, chính là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hai vấn đề này khác nhau. Nếu như lúc nào 2 lực lượng này cũng "kè kè" DN thì DN sẽ rất khó làm việc.
Biển Mũi Né ở Bình Thuận bị san lấp trái phép, gây nhiều hệ lụy về môi trường
Theo tôi, việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá, xem xét, xử lý việc chấp hành pháp luật thì giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Còn việc trinh sát, phòng chống tội phạm về môi trường thì giao cho cảnh sát môi trường, từ đó phân định rõ trách nhiệm. Để tránh tình trạng sáng gặp thanh tra của ngành tài nguyên - môi trường, chiều lại gặp cảnh sát môi trường hoặc gặp cùng lúc cả hai lực lượng thì Thủ tướng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền để tránh chồng chéo.

Hỏi: Ông còn băn khoăn gì về dự luật này trước khi được đưa ra thảo luận?

- Tôi không băn khoăn lắm với các nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, tôi cho rằng công tác BVMT phải tạo ra một cuộc cách mạng thật sự chứ không chỉ nói suông. Như vấn đề ô nhiễm không khí, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà rằng tôi rất muốn trong đạo luật này phải ghi rõ: Khi xây dựng các khu đô thị hay chỉnh trang đô thị, phải bảo đảm tỉ lệ cây xanh, với ý nghĩa "trồng rừng trong thành phố" chứ không chỉ là trồng cây trên đường phố, để tạo ra lá phổi xanh. Tôi hy vọng ý kiến của mình sẽ được tiếp thu.

Gây ô nhiễm phải trả tiền

Về quy định "ai gây ô nhiễm phải trả tiền" trong dự thảo luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây là đề xuất rất hay, gắn trực tiếp trách nhiệm của người gây ô nhiễm môi trường. Quy định này hiện rất lỏng lẻo. Chẳng hạn, nhiều người cứ vô tư vứt rác ra đường, ra sông suối nhưng không ai bị xử lý; trong khi ở nước ngoài, như Singapore, họ xử rất nghiêm. Vấn đề là làm sao để có thể kiểm soát, ngăn chặn, xử lý người vi phạm, chứ không phải "quy định cho có". Vì vậy, đi kèm quy định này phải có cơ chế để kiểm soát, xử lý.

Tác giả: Văn Duẩn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây