Chia sẻ thông tin những nội dung mới về quản lý chất lượng môi trường không khí và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Namhttps://scem.gov.vn/uploads/banner_scem-cucmoitruong-2.png
Thứ sáu - 19/06/2020 22:10
Chiều ngày ngày 08 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình tọa đàm chia xẻ thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí về một số vấn đề mới đối với việc quản lý chất lượng môi trường và một số vấn đề mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).
Tham gia buổi Tọa đàm, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Tại buổi tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các phóng viên, nhà báo theo dõi về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường…
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, tổng thể, thể chế hóa kịp thời những chủ trương chính sách mới của Đảng trong thời gian vừa qua.
Mục tiêu cải cách thể chế môi trường của Việt nam là tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới, hướng đến việc bảo vệ sức khỏe người dân, cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học… Đây là quy định nền tảng chi phối các quy định pháp luật khác có liên quan, Dự thảo Luật này sẽ thực hiện tốt được những cam kết quốc tế mới.
Cũng theo Ông Nguyễn Hưng Thịnh, việc thay đổi cách thức quản lý môi trường, cách quản lý dự án, giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện việc sàng lọc các dự án đầu tư, đồng bộ các công cụ giải pháp từ hoạch định chính sách, thiết kế dự án, triển khai và kết thúc dự án, khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường… Đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Dự thảo Luật sẽ đưa được các công cụ để kiểm soát tốt hơn, chặt chẽ hơn…
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường không khí, Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường chia sẻ: Để giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; những quy định mới về phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh... các quy định về xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải phương tiện giao thông trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi; quy định trách nhiệm chủ trì xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với các nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), kể cả nguồn thải khí thải phương tiện giao thông để kiểm soát, quản lý đồng bộ các nguồn khí thải. Đồng thời, theo Dự thảo Luật khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại thì chủ tịch tỉnh, thành sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Về vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí là cần thiết, tuy nhiên không nên chỉ dựa vào chỉ số AQI. Chỉ số AQI mang tính tức thời, nhằm cảnh báo cho người dân để có biện pháp phòng trách khi đi ra ngoài. Để ban bố tình trạng khẩn cấp, cần xem mức độ ô nhiễm kéo dài bao lâu và phân tích cụ thể các chỉ số quan trắc…
Tại buổi Tọa đàm, Ông Lê Hoài Nam cũng cho biết thêm về Dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ thay đổi cách tiếp cận BVMT nước từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường; Dự thảo Luật đưa ra một công cụ mới là Kế hoạch quản lý chất lượng nước, Kế hoạch quản lý chất lượng nước gồm những nội dung chính là các mục tiêu bảo vệ chất lượng nước; thực trạng phân bố nguồn ô nhiễm, loại và tổng lượng ô nhiễm; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, phân bổ hạn ngạch xả thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm phát thải vào nguồn nước đối với nguồn nước đã không còn khả năng chịu tải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nước, cải thiện chất lượng nước và Dự thảo còn đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải.
Toàn cảnh buổi Tọa đà
Chia sẻ thông tin về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên, Đa dạng sinh học cho biết về vấn đề quản lý cảnh quan thiên nhiên; đánh giá tác động cảnh quan và đa dạng sinh học; bồi hoàn đa dạng sinh học trong Dự thảo luật bảo vệ môi trường (sửa đổi): Cảnh quan thiên nhiên là cảnh quan được thành tạo từ các thành phần tự nhiên, chưa hoặc rất ít bị tác động của con người, việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là việc bảo tồn và duy trì hình thái, thành phần, cấu trúc, chức năng quan trọng của cảnh quan thiên nhiên... Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nhằm duy trì được các đặc trưng quan trọng của cảnh quan, bảo đảm cho cân bằng thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị thẩm mỹ, giải trí của cảnh quan. Vấn đề bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dang sinh học ở Dự thảo Luật này được đặt ra ở mức cao, đó là những yêu cầu về bảo vệ cấu trúc chức năng của cảnh quan đối với các dự án phát triển, hy vọng với những văn bản sau này (tầm Nghị định), yêu cầu bảo vệ cảnh quan sẽ ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn; Các dự án được xem xét, cấp phép đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan nhưng có tác động xấu đến các cảnh quan thiên nhiên quan trọng thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật này phải thực hiện và lập báo cáo chuyên đề về đánh giá chi tiết tác động đến hình thái, thành phần, cấu trúc, chức năng và đa dạng sinh học của cảnh quan đính kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cũng cho biết tác động tích cực của chính sách thông qua cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học thì đa dạng sinh học sẽ được bảo toàn, nhờ đó sẽ giảm mất mát đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển của loài người, góp phần phát triển bền vững.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn phát biểu tại buổi Tọa đàm
Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Dự thảo Luật lần này tiến bộ hơn nhiều so với Luật cũ về khoa học nhân văn, khoa học tư nhiên nêu rõ cảnh quan sinh thái giải quyết được phát triển bền vững, kinh tế cho cộng đồng, chức năng của cảnh quan với cộng đồng, với môi trường, nếu thực hiện được sẽ rất tốt…
Kết thúc buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã nói lời cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các câu hỏi của các nhà báo, phóng viên đưa ra tại buổi Tọa đàm. Đây là những ý kiến xác đáng, là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật. Ông Nguyễn Hưng Thịnh cũng mong muốn Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp tục được phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà báo, phóng viên trong thời gian tới để tiếp tục có những buổi tọa đàm chuyên sâu về những nội dung khác trong Dự thảo Luật.