Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Thứ hai - 04/05/2020 06:14
Hội nghị trực tuyến  lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Sáng 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT.

Tại điểm cầu Bộ TN&MT, đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cùng với sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tại điểm cầu địa phương, có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội; các vị Đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nhiều quốc gia, tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên cũng như tác động đến môi trường; đặc biệt là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đến từng người dân, doanh nghiệp, Bộ TN&MT đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, Bộ đã đề xuất các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giảm thuế môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố để cụ thể hóa hơn nữa chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ về kiến tạo thêm động lực cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, Bộ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính, một là lấy ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); hai là lấy ý kiến về các vấn đề quan trọng, lâu dài đặt ra đối với Ngành để đóng góp vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể chế pháp luật để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn mới, đặc biệt là vấn đề đất đai, nội dung của Luật BVMT (sửa đổi).

Điểm qua những thành tựu nổi bật của toàn ngành TN&MT như: Đến nay, Ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 Nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, biển đảo và ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tăng cường quản lý đất đai, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn thu từ đất hàng năm chiếm trung bình 12% thu ngân sách nội địa, riêng trong năm 2019 đạt 172 nghìn tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt khoảng 5 nghìn tỷ/năm, từ tài nguyên nước hơn 1,16 nghìn tỷ đồng/năm. Công tác quản lý, BVMT đã được đổi mới từ nhận thức đến hành động, từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, chủ động kiểm soát, phòng ngừa. Các giải pháp tổng thể, đồng bộ được xác định nhằm quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông đang được quyết liệt triển khai. Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử đã được đẩy mạnh: 80,1% thủ tục hành chính được đơn giản; 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh được bãi bỏ, thay thế, qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm;… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã luôn quan tâm, phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao; trân trọng cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành.

Về những vấn đề của các địa phương, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ được Bộ TN&MT ghi nhận chi tiết và có đề xuất hướng xử lý phù hợp.

Sửa đổi Luật BVMT với mục tiêu đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu
Được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ TN&MT, tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh đã trình bày những điểm chính của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) như sau: Dự thảo Luật gồm 16 chương, 192 điều, trong đó: đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20-85 ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Dự thảo Luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐTM; tích hợp các TTHC vào Giấy phép môi trường; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường. Đã bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong hoạt động BVMT như: cơ chế đặt cọc-hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí BVMT đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; vv. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật BVMT, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi các chính sách về BVMT đang được quy định tại một số văn bản luật khác.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Lấy ý kiến các đại biểu về nội dung của Luật BVMT (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề môi trường, Bộ đã tập trung sửa đổi Luật BVMT năm 2014 để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây là cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước - thực hiện các cam kết quốc tế về BVMT, ứng phó với BĐKH, thực hiện các quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trước các rào cản kỹ thuật về môi trường, BĐKH. Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, thông qua Hội nghị này nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố cho dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp nghiên cứu tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện soạn thảo Luật BVMT (sửa đổi). Luật BVMT (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật BVMT (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về BVMT là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.

Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, có nhiều vấn đề về BVMT mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay Việt Nam đang tham gia, do vậy, ông Phan Xuân Dũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước. Luật sửa đổi có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo đồng thời đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững".

Hội nghị trực tuyến đã lần lượt nghe ý kiến của các đồng chí: Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Cạn; Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Dương Xuân Hoà, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tại Hội nghị
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tại Hội nghị
Đa số ý kiến các đại biểu tham dự Hội nghị ghi nhận sự chuẩn bị công phu đối với dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), đã giải quyết trực tiếp được nhiều vấn đề còn tồn tại của Luật BVMT năm 2014, làm cơ sở cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý thêm liên quan tới đề nghị rà soát đánh giá tác động cụ thể của các chính sách trước khi đưa vào Luật; khắc phục sự chồng chéo với các luật khác, đồng thời bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM); gắn trách nhiệm của địa phương với công tác BVMT với vai trò “chịu trách nhiệm đến cùng"; các quy định phối hợp giải quyết vấn đề môi trường liên vùng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia vào xử lý chất thải rắn; tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho công tác BVMT,…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thông qua Hội nghị này, Bộ đã nhận thấy sự thay đổi rất lớn trong quan điểm, tư duy của các địa phương trong công tác BVMT:  Đã đến lúc, chúng ta không thể hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, áp đặt sự phát triển thiếu bền vững lên sức chịu tải của tự nhiên. Đã đến lúc, phải đảm bảo chất lượng môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường của người dân. Sự thay đổi có tính chất cách mạng trong công tác BVMT chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. Sự kết hợp này thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, BVMT cho phát triển bền vững đất nước./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây