Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn.
Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); các Sở, ngành tại TP.HCM; các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; các hiệp hội, các công ty nhập khẩu hóa chất, thiết bị; sản xuất thiết bị; thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Ban quản lý các tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM và các công ty tham gia Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam giai đoạn II…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trái đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ô-dôn ở tầng bình lưu thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên trái đất. Cũng nhờ có lớp ô-dôn, trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, phá hủy cây trồng, hoa màu...
Để bảo vệ tầng ô-dôn, năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên. Sau 35 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, sự suy giảm tầng ô-dôn đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ cực tím của mặt trời. Hàng triệu người đã được bảo vệ khỏi ung thư da và đục thủy tinh thể, giúp duy trì các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ sự sống trên trái đất và góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.
“Thông qua Hội thảo ngày hôm nay, tôi kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp, người dân trong hoạt động chung tay bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ các kết quả đã đạt được trong hàn gắn tầng ô-dôn và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như hướng tới việc tầng ô-dôn hoàn nguyên ở mức năm 1980 vào năm 2060”, ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.
Về Kế hoạch tăng cường sự phối hợp liên ngành và hợp tác trong nước, nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình cam kết của Chính phủ, ông Tăng Thế Cường chia sẻ, Cục Biến đổi khí hậu có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các Bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết với các bên nhằm phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn các bên trong tổ chức thực thi. Qua quá trình thực hiện, tham mưu việc rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các quy định trong nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các chương trình, kế hoạch quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình cam kết của Chính phủ.
Về kết quả thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, ông Hoàng Minh Quân – đại diện Ban Quản lý Dự án HPMPII cho biết, trong thời gian qua, cơ quan chủ quản xem xét, thông qua tài liệu hướng dẫn thực hiện sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động thực hiện. Bên cạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý dự án, Ngân hàng thế giới, các đơn vị liên quan và các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ khi thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Quân, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp khó khăn như: doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia chuyển đổi công nghệ; khó khăn trong chứng minh đủ điều kiện tham gia chuyển đổi công nghệ; một số doanh nghiệp đã khảo sát thay đổi định hướng kinh doanh, dừng, không hoạt động sản xuất; kinh phí tài trợ và công nghệ thay thế còn hạn chế, không áp dụng được cho tất cả các lĩnh vực.
Tại Hội thảo cũng đã tổng hợp, đánh giá một số kết quả bước đầu thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và xốp; phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn; và tọa đàm trao đổi về công tác quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal tại Việt Nam giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác quốc tế, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi công nghệ…
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn