* Phối hợp 4 bên kiếm soát nguồn thải
Chính phủ đã chỉ đạo, hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Các cơ quan quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương đã có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hướng rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Đặc biệt đã phối hợp để tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (20 – 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh) nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đảm bảo các đối tượng này thực hiện tốt công tác BVMT.
Kể từ năm 2016, Bộ TN&MT đã duy trì hoạt động giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động. Từ đó hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “04 bên” (Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án/cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao).
Hàng loạt các công ty có lĩnh vực hoạt động nguy cơ ô nhiễm cao nằm trong danh sách giám sát, như Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại KKT Dung Quất, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện sông Hậu tại Hậu Giang và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải tại Trà Vinh; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng, Lào Cai; các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn.
Như vậy, chúng ta đã chuyển từ bị động, lúng túng sang chủ động phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh; giám sát các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đáp ứng đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay nhiều dự án lớn, trong đó có FHS, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng đất nước, cụ thể: sau khi vận hành cả 2 lò cao, FHS đã đóng góp 1.256 triệu USD tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Một số Bộ, ngành, địa phương (Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Quốc phòng; TP. Hà Nội; các tỉnh: Hậu Giang, Bình Dương, Nghệ An, Hưng Yên,...) đã chủ động rà soát các dự án lớn, nhà máy thuộc phạm vi quản lý để có yêu cầu, chấn chỉnh phù hợp các biện pháp BVMT. Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất; qua kiểm tra cho thấy, 100% số nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón đang hoạt động đã có đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ được phê duyệt.
* Bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm
Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, CCN tập trung; định kỳ hàng năm tổ chức họp Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tính đến nay, đã có 372/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85,52% (tăng 48,42% so với cuối năm 2015); 37/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, trong đó có 26/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 52%.
Bộ TN&MT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho phép kết thúc Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg; chấm dứt việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho địa phương để xử lý đối với các cơ sở còn tồn đọng, chưa hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg; đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện.
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn