Ngập trong đô thị

Thứ sáu - 14/05/2021 07:51
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng bê tông hóa, ô nhiễm kênh mương, các dòng sông trong đô thị.
Ngập trong đô thị
Trận mưa đầu mùa vào chiều tối ngày 11/5 đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội chìm trong nước. Dù không mới, nhưng xem ra, những cảnh báo về thảm cảnh ngập lụt khi mưa lũ với các đô thị ở Việt Nam không mấy thay đổi, trong đó có hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Đầu tiên là sự quá tải trong vùng lõi đô thị với việc mất đi những khoảng trống thoát nước do xây nhà cao tầng, bê tông hóa, khiến các tầng đất có nguy cơ trống rỗng (do không được bù đắp lượng nước ngầm bị khai thác) và lún sụt nghiêm trọng. Tình trạng này hiện hữu ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các khu vực phố cũ lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng.

Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Và nguy cơ úng ngập khi có những trận mưa như chiều tối ngày 11/5 ở Hà Nội là nhãn tiền.

Một điểm thấy rất rõ là, tiến trình đô thị hóa trong hai thập kỷ qua đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu ở mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt, mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.

Khai thác cùng kiệt tài nguyên đất với hệ số sử dụng cao đã và đang để lại những hệ quả xấu cho chính các đô thị - đó là tình trạng ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Mất đi các thực thể nước và mảng xanh cũng như tăng môi trường xây dựng cũng gây ra các hậu quả xấu cho khí hậu đô thị. Các đô thị Việt Nam đang chứng kiến sự tăng tiêu thụ năng lượng không cân xứng trong lối sống sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn của người dân đô thị. Trong trường hợp của các đô thị trong thời kỳ quá độ như TP.HCM hay Hà Nội, sự gia tăng này đã trở thành nguồn thải khí nhà kính lớn nhất trong phạm vi cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đã đến lúc cần tính đến những tác động xấu của sự phát triển thái quá trong các vùng lõi đô thị. Đặc biệt, cần hướng khôi phục và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên (ao hồ, mặt đất…) để “trả lại” cho đất một phần nước ngầm mà chính con người đã lấy đi.

Chẳng hạn, với Hà Nội, chấm dứt chất tải lên các đô thị cũ. Cần có một nghiên cứu thấu đáo về cốt nền của hệ thống thoát nước khu vực này với các khu vực đô thị mới mở rộng. Với TP.HCM, cần tập trung khai thác nguồn nước mặt cung cấp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và giảm dần là khai thác nước thô từ các giếng đặt cách thành phố khoảng 50 km trong khi chờ nguồn nước khác. Hạ mực nước ngầm quá mức, còn làm cho mức ngập triều cường thêm sâu. Làm giảm được việc hạ mực nước ngầm sâu gây sụt lún mặt đất cho TP.HCM là có lợi kép.

Nếu không, chỉ sau một trận mưa lớn, Hà Nội nhiều nơi thành sông. Những đợt triều cường đang ngày càng khiến TP.HCM ngập sâu hơn. Đó là chưa kể những tác động từ biến đổi khí hậu như bão lũ, hạn hán - mà nguyên nhân gây nên cũng chính là con người.

Song, đáng tiếc, với các thách thức (và cả cơ hội) to lớn này, hệ thống hiện tại của quy hoạch, hướng dẫn và thực thi phát triển đô thị ở Việt Nam dường như chưa được chuẩn bị!

Nguồn tin: Cổng TTĐT Báo TN&MT

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây