Hiện đại hóa công nghệ viễn thám

Thứ hai - 28/06/2021 07:00
Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học công nghệ mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi hình thức và nội dung mọi hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người. Các quốc gia đang phát triển cũng tích cực áp dụng những tiến bộ mới của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ viễn thám nhằm tạo cơ hội đi tắt đón đầu, phát huy lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghệ.
Trạm thu ảnh viễn thám tại Hà Nội. Ảnh: H.Minh
Trạm thu ảnh viễn thám tại Hà Nội. Ảnh: H.Minh

Việt Nam không nằm ngoài quy luật phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để “đi tắt, đón đầu” chủ động hội nhập với thế giới. Chính vì vậy “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kỳ vọng phát triển công nghệ viễn thám, đem lại hiệu quả cao cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng như: điều tra cơ bản, khai thác và quản lý tài nguyên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, tổ chức và quản lý lãnh thổ cũng như an ninh, quốc phòng...

Bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội

Tư liệu viễn thám là nguồn thông tin rất quan trọng cho nhiều lĩnh vực như bản đồ, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Với ưu thế phong phú thông tin, phản ánh một cách chính xác sự phân bố và trạng thái của các đối tượng trên mặt đất, mặt nước cũng như các mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các đối tượng cùng các hoạt động nên công nghệ này đã bao quát được hầu hết các mặt đời sống, kinh tế - xã hội khi có được hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu, nhận, phân tích ảnh.

Ảnh viễn thám có thể thu nhận bằng nhiều kỹ thuật khác nhau nên có thể cung cấp được nhiều loại thông tin quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực. Kỹ thuật viễn thám cho phép thu được thông tin nhanh cùng lúc trên những vùng rộng lớn đến phạm vi cả nước, khu vực, kể cả những vùng con người khó đến được và đảm bảo thời gian thực. Đồng thời, cho phép thu nhận thông tin lặp lại theo các chu kỳ khác nhau (hàng ngày, 5 - 26 ngày, mùa, năm...) nhờ đó, sử dụng tư liệu viễn thám có thể theo dõi sự biến động của nhiều đối tượng một cách liên tục.

 Sự phát triển các vệ tinh viễn thám thương mại công khai cho phép thu nhận được tư liệu ảnh với độ phân giải trung bình (30 - 20 m), cao (10 - 3 m) và siêu cao (2 - 1 m); ảnh vệ tinh siêu phủ chụp một lúc 200 kênh. Nhờ đó có thể tiến hành khảo sát, nghiên cứu thông tin đồng thời ở những mức độ khác nhau, khái quát đến chi tiết. ưu việt của ảnh viễn thám ra đa.

Sử dụng tư liệu viễn thám cho phép giảm bớt quá trình điều tra, khảo sát... tại thực địa, giúp tiết kiệm chi phí. Do vậy, viễn thám không chỉ đem lại hiệu quả về khoa học công nghệ, mà còn đem lại hiệu quả về kinh tế.

Công nghệ viễn thám đã trở thành công nghệ hiệu quả nhất để giám sát các đối tượng biến động trong không gian và thời gian cho các mục đích quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai và quân sự. Ngày nay, khó có thể liệt kê được đầy đủ các lĩnh vực ứng dụng công nghệ viễn thám trên thế giới. Hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám về khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội rất lớn và thường không tính được bằng tiền.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Ở Việt Nam, sau hơn bốn thập kỷ tiếp cận và phát triển, công nghệ viễn thám cũng đã được ứng dụng để giải quyết các vấn đề về quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, quốc phòng, an ninh và một số ngành kinh tế - xã hội khác. Nhưng sự phát triển viễn thám ở Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của nó.

Sở dĩ phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta bị hạn chế là do cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu còn yếu, đầu tư cho viễn thám cần nguồn kinh phí lớn nên nhiều hạng mục còn chưa được xây dựng. Trong khi đó, tại thời điểm này chúng ta có vệ tinh VNRETSAT-1, hiệu quả của vệ tinh mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu sử dụng công nghệ viễn thám, dẫn đến tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Mặt khác, nguồn nhân lực về viễn thám ở cả cấp Trung ương và địa phương đều đang rất thiếu cả về số lượng và cơ cấu chuyên ngành. Ngoài các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, hầu hết các địa phương có rất ít cán bộ có chuyên môn sâu về viễn thám hoặc chủ yếu nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Người thực sự có am hiểu về viễn thám chủ yếu được đào tạo từ nước ngoài, con số này cũng không nhiều và có chiều hướng suy giảm.

Ở một số trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước có đào tạo cung cấp nhân lực cho viễn thám. Tuy nhiên chưa có nhiều chuyên ngành ứng dụng viễn thám cũng như chương trình đào tạo riêng biệt cơ bản. Trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu về viễn thám chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý cũng như sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Bộ TN&MT đã chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo Dự thảo Đề án “Tăng cường năng lực quản lý viễn thám”.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và phát triển ứng dụng viễn thám bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực và phân cấp Trung ương với địa phương.

Nâng cao năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về viễn thám đáp ứng yêu cầu quản lý, triển khai ứng dụng ở các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% công chức quản lý viễn thám ở các Bộ, ngành, địa phương được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về viễn thám.

Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển ứng dụng viễn thám, đào tạo, nghiên cứu khoa học về viễn thám, bảo đảm đến năm 2030 nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về viễn thám. Cơ sở dữ liệu viễn thám được xây dựng trên mô hình thiết lập và phát triển hệ thống thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, tích hợp, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu, phân phối thông tin trực tuyến qua hệ thống mạng; đảm bảo cho toàn bộ hệ thống được thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước mắt, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật những thông tin, kiến thức cơ bản và thiết thực về công nghệ viễn thám phục vụ cho hoạt động tác nghiệp thường xuyên. Đồng thời, cập nhật những kiến thức mới, đảm bảo cơ cấu hợp lý trong kiến thức chuyên ngành tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực, phấn đấu đạt trình độ quốc tế.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây