Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Thứ sáu - 19/07/2024 06:33

Quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục ở nhịp độ cao, sẽ gây ra áp lực cao đối với trạng thái tài nguyên và môi trường, từ đó làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) của tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu này tiến hành kiểm kê, đánh giá các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, góp phần hỗ trợ việc kiểm soát tốt hơn các nguồn thải và nguy cơ ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Đặt vấn đề

Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong những năm qua tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa của tỉnh ngày càng gia tăng đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm của tỉnh đạt 9,41%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (6,29%/năm); Tốc độ đô thị hóa bình quân năm tính theo dân số giai đoạn 2015-2020 đạt 4,4%, cao hơn tốc độ đô thị hóa của cả nước và vùng ĐBSCL [1]. Hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ngày càng gia tăng đã và đang tạo ra sức ép lớn đối với môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn tỉnh là từ hoạt động giao thông, từ các nhà máy nhiệt điện, các hoạt động sản xuất công nông nghiệp, hoạt động sinh hoạt,... gây phát sinh các chất ô nhiễm như: CO2, SO2, NOx và tro bụi. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/06/2016 [2]. Đây là cơ sở để tỉnh Trà Vinh xây dựng các kế hoạch quản lý CLMTKK đi kèm với kế hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Như vậy, việc lập kế hoạch quản lý CLMTKK trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng. Các bước thực hiện việc kiểm kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh đã được bộ tài nguyên và môi trường hướng dẫn tại công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021. Trong đó, quy trình gồm 06 bước, bước đầu tiên là đánh giá hiện trạng, diễn biến và công tác quản lý CLMTKK [3]. Như vậy, việc kiểm kê nguồn thải là nội dung quan trọng, làm tiền đề cho việc đưa ra các giải pháp quản lý CLMTKK trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phương pháp kiểm kê nguồn thải

Phương pháp kiểm kê nguồn điểm

Tiến hành đo đạc nồng độ khí thải tại 26 nguồn điểm thuộc các doanh nghiệp. Nguồn thải khí thải của cơ sở được đo đạc bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục hoặc thiết bị quan trắc bán tự động. Thông số đo đặc bao gồm: Nhiệt độ, lưu lượng, bụi tổng (TSP), bụi PM10, bụi PM2,5, SO2, NOx và CO.

Trường hợp khí thải của cơ sở không đo đạc bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục hoặc thiết bị quan trắc bán tự động, chủ nguồn thải khí thải công nghiệp tính toán thải lượng khí thải của thông số i bằng cách thu thập đầy đủ các yếu tố: Loại hình nhà máy sản xuất, kích thước, vị trí, loại hình hoạt động, số giờ hoạt động, nguyên liệu sử dụng, thiết bị giảm thiểu ONKK.

Sau đó, tính toán tải lượng phát thải nguồn điểm theo hướng dẫn tại công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 [3].

Phương pháp kiểm kê nguồn đường

Đối với giao thông đường bộ: Thực hiện đếm xe tại các tuyến đường giao thông của tỉnh và phỏng vấn thu thập thông tin vào 237 phiếu điều tra (xe gắn máy 189 phiếu, các loại xe khác 48 phiếu). Thông tin thu thập gồm: loại xe, số km đi trong ngày, số lần sử dụng xe trong ngày, tổng chiều dài xe đã chạy, năm sản xuất/mua xe, loại xe/đời xe, loại nhiên liệu sử dụng, tải trọng xe.

Đối với giao thông đường thuỷ: Thực hiện thu thập thông tin thực tế tại các cảng biển, cảng cá về số lượng trung bình tàu thủy hoạt động ra vào cảng, số lượng các loại thiết bị nâng dỡ hàng hóa tại từng cảng, công suất của các loại tàu,...

Điều tra bằng phiếu đối với 21 tàu, thiết bị hoạt động tại cảng biển, cảng cá. Thông tin thu thập đối với tàu thủy: Công suất liên tục cực đại của tàu, tải trọng tàu, tốc độ thực tế, tốc độ cực đại, số giờ hoạt động, nhiên liệu sử dụng. Đối với từng loại thiết bị nâng dỡ hàng hóa tại cảng, thông tin thu thập gồm: công suất cực đại, tải trọng thực tế, tải trọng cực đại, số giờ hoạt động, nhiên liệu sử dụng.

Sau đó, tính toán tải lượng phát thải nguồn đường theo hướng dẫn tại công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 [3].

Phương pháp kiểm kê nguồn diện

Đối với bãi rác: thu thập thông tin qua 20 phiếu điều tra tại các đơn vị quản lý bãi rác trên địa bàn tỉnh. Thông tin thu thập gồm: Diện tích, loại rác, khối lượng rác chôn lấp, khối lượng rác đốt,…

Đối với hoạt động đun nấu sinh hoạt: Thu thập thông tin qua 180 phiếu hộ gia đình, và 22 phiếu CSKD ăn uống tại các khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thông tin thu thập gồm: Nhiên liệu đốt, lượng nhiên liệu sử dụng trong 1 ngày, 1 tháng,…

Đối với Công trình xây dựng: Thực hiện thu thập thông tin thực tế về diện tích sàn xây dựng tại Sở Xây dựng. Chỉ thực hiện đối với các công trình lớn như nhà máy, chung cư, khu đô thị.

Đốt sinh khối hở phụ phẩm nông nghiệp: Thực hiện thu thập thông tin thực tế tại Sở NN&PTNT.

Sau đó, tính toán tải lượng phát thải nguồn diện theo hướng dẫn tại công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 [3].

Kết quả và thảo luận

Nguồn điểm (công nghiệp)

Hoạt động phát sinh nguồn điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không nhiều chủ yếu tập trung ở cụm Trung tâm NMNĐ Duyên Hải, với lưu lượng phát thải chiếm đến khoảng 99% tổng nguồn điểm. Với 36 nguồn điểm phát sinh khí thải thuộc 28 cơ sở doanh nghiệp, lượng phát sinh khí thải của từng doanh nghiệp chủ yếu được tính toán do quá trình đốt nhiên liệu.

Bảng 1. Tổng phát thải các chất ô nhiễm từ nguồn điểm (công nghiệp)
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Hình 1. Tỷ lệ hiện trạng đóng góp phát sinh khí thải của các loại hình nguồn điểm (công nghiệp) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Nguồn đường (giao thông)

Theo số liệu điều tra và tính toán của dự án, kết quả tổng phát thải nguồn giao thông (đường bộ và đường thủy) được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2. Bảng tổng hợp phát thải từ nguồn giao thông
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Kết quả trên cho thấy, đối với hoạt động giao thông của tỉnh Trà Vinh thì giao thông đường bộ (đặc biệt là xe máy) là nguồn chính phát thải các chất ô nhiễm vào không khí với tỷ lệ đóng góp lần lượt là 98,3% đối với CO và 55,9% đối với SO2, đối với bụi TSP, PM10 và PM2,5 là 74,8%. Riêng với SO2 thì hoạt động giao thông đường thủy sử dụng các loại nhiên liệu ô nhiễm về mặt không khí như dầu DO, dầu nặng,... dẫn đến tải lượng đóng góp tới 67,9% tổng phát thải giao thông. 

Xét theo loại hình phương tiện thì: loại hình phương tiện xe máy đóng góp tải lượng lớn nhất đối với chỉ tiêu CO của nguồn giao thông với 95,7%, trong khi đó xe tải nặng đóng góp lớn nhất ở các chỉ tiêu bụi (35,1%), đối với chỉ tiêu NO2 và SO2 thì hoạt động của các tàu tại cảng cá đóng góp thải lượng lớn nhất với giá trị lần lượt là 39,5% và 60,8%.

Nguồn diện

Số hộ gia đình năm 2022 được cung cấp bởi cục thống kê tỉnh Trà Vinh là 282.244 hộ và tổng số cơ sở dịch vụ ăn uống là 15.742 cơ sở [4]. Trong đó, theo khảo sát cho thấy, 2 loại nhiên liệu chính được sử dụng trong sinh hoạt nấu ăn và CSDV ăn uống là gas và than, củi.

Năm 2022, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh là 199.044 ha [4]. Lượng rơm rạ phát sinh ước tính 842.489 tấn, với khoảng 20% lượng rơm rạ (168.498 tấn) được đốt ngoài đồng.

Theo số liệu thống kê thì diện tích sàn xây dựng năm 2022 các công trình lớn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tổng hợp theo GPXD được cấp là 14.021 m2 [5]. lượng chất ONKK phát sinh từ hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2022 ước tính không đáng kể, chủ yếu phát sinh bụi.

Bảng 3. Số liệu tổng phát thải các chất ô nhiễm từ nguồn diện 
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Kết quả cho thấy, đối với nguồn diện 2 nguồn đóng góp phát thải chính là hoạt động đốt sinh khối (đốt rơm rạ) và hoạt động nấu ăn sinh hoạt ở các hộ gia đình, CSKD ăn uống. Trong đó hoạt động đốt sinh khối được tính đến trong nghiên cứu này chủ yếu từ hoạt động đốt rơm rạ trên đồng ruộng chiếm từ 66% - 78% tổng phát thải của nguồn diện; nguồn nấu ăn từ hộ gia đình, CSKD ăn uống chiếm từ 21-34% đối các chất ô nhiễm chủ yếu.

Kết quả kiểm kê nguồn thải tỉnh Trà Vinh

Tổng hợp tổng phát thải từ 03 nguồn chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như sau:

Bảng 4. Tổng phát thải từ 3 nguồn phát sinh chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Hình 2. Tỉ lệ đóng góp phát thải từ 03 nguồn thải chính theo chất ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Kiểm kê nguồn thải phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Trà Vinh

Tổng hợp tổng phát thải từ 03 nguồn phát sinh chính (nguồn điểm, nguồn diện và nguồn giao thông) cho thấy phát thải nguồn điểm (do hoạt động công nghiệp) chiếm ưu thế đối với NO2 (chiếm tỷ lệ 64,4%) và SO2 (chiếm tỷ lệ 92,7%) tổng phát thải NO2 và SO2. Trong khi đó, nguồn giao thông gây ô nhiễm chính là CO (chiếm 69,0%) và nguồn diện gây ô nhiễm chính là TSP (chiếm 59,1%), PM10 và PM2,5 (chiếm tỷ lệ lần lượt là 72,5 % và 71,1%). 

Kết luận

Qua kết quả kiểm kê, đánh giá các nguồn thải chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cho thấy: Tổng phát thải của các chất ONKK lần lượt: NO2 là 12.581 tấn/năm; CO là 76.491 tấn/năm; SO2 là 5.167 tấn/năm; TSP là 5.297 tấn/năm; PM10 là 2.910 tấn/năm và PM2,5 là 2.767 tấn/năm. Nguồn công nghiệp đóng góp phát thải của NO2 và SO2 cao nhất (lần lượt là 64,4% và 92,7%), trong đó chủ yếu đến từ các NMNĐ than Duyên Hải (chiếm 98% đóng góp của nguồn điểm công nghiệp); Hoạt động giao thông đóng góp lượng phát thải CO nhiều nhất (chiếm 69%), trong đó hoạt động của xe máy đóng góp tới 96% phát thải CO của nguồn giao thông; Và nguồn diện đóng góp thải lượng cao nhất ở các thông số bụi TSP, PM10, PM2,5 với tỷ lệ lần lượt là 59,1%, 72,5% và 71,1%, trong đó, hoạt động đốt rơm rạ chiếm 46-49% tổng tải lượng bụi của các nguồn. Điều này chứng tỏ rằng, hoạt động của nguồn công nghiệp đặc biệt là các NMNĐ cùng với hoạt động giao thông (chủ yếu xe máy), và đốt rơm rạ là những nguồn tạo nên sức ép chính đến MTKK trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, mức độ gây ảnh hưởng vẫn chưa đáng lo ngại, chưa có chất ô nhiễm nào vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 05:2023/BTNMT.

Tài liệu tham khảo

1. UBND tỉnh Trà Vinh (2023), “Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,” Trà Vinh;

2. Thủ tướng Chính Phủ (2016), Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/06/2016 Về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam: Bộ TN&MT;

3. Bộ TN&MT (2021), Công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 07 tháng 06 năm 2021, Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, Việt Nam: Tổng Cục Môi trường;

4. Cục thống kê tỉnh Trà Vinh (2023), “Niên giám thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2022,” NXB Thống kê, Hà Nội;

5. Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh (2022), Tổng hợp các giấy phép xây dựng năm 2022 được cấp bởi Sở xây dựng, Trà vinh: Chủ biên.

TRẦN MINH THAO2, LÊ VIỆT THẮNG1,*
1 Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
2 Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Biển
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 9 năm 2024

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây