Bộ TN&MT trao đổi với nhóm tác giả sáng chế công nghệ Biogas Vị Nông

Thứ năm - 15/08/2024 23:42
Ngày 15/8 tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) chủ trì buổi làm việc với Trung tâm Vị Nông (Hội làm vườn Việt Nam) về các sáng chế công nghệ Biogas đa năng Vị Nông (hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu) ứng dụng xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ và rác thải nông nghiệp.
Bộ TN&MT trao đổi với nhóm tác giả sáng chế công nghệ Biogas Vị Nông

Ngày 15/8 tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) chủ trì buổi làm việc với Trung tâm Vị Nông (Hội làm vườn Việt Nam) về các sáng chế công nghệ Biogas đa năng Vị Nông (hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu) ứng dụng xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ và rác thải nông nghiệp.

Cùng dự có các đơn vị liên quan như: Vụ Môi trường; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Vị Nông đã thông tin về sáng chế công nghệ Biogas đa năng Vị Nông (hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu). Theo ông Sơn, hầm Biogas đa năng Vị Nông cải tiến thiết kế so với hầm biogas truyền thống, hoạt động theo nguyên lý hoàn lưu, có cửa xả đặt sát mặt đáy, giảm mùi hôi đồng thời có cơ chế thu hồi được bã mùn để làm phân bón hữu cơ.

Sáng kiến được Cục Chăn nuôi công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi và Cục Sở Hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Làm việc với Bộ TN&MT, ông Nguyễn Hồng Sơn có 4 kiến nghị. Đó là: Đề nghị chuyển giao công nghệ này cho Nhà nước; Bộ TN&MT hỗ trợ tổ chức hội thảo nhằm trao đổi sâu hơn về công nghệ này; Bộ TN&MT hỗ trợ truyền thông đưa công nghệ vào cuộc sống và Đề xuất hỗ trợ tài chính để người dân tiếp cận công nghệ.

Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ cho rằng, đây làm một nghiên cứu tâm huyết của Trung tâm Vị Nông. Dù là giải pháp không mới song sáng chế này có những điểm cải tiến đáng ghi nhận, như có thể tận dụng bùn thải; hồi lưu tái sử dụng dòng nước đầu ra, phá váng để tăng hiệu suất.

Tuy nhiên, nhóm tác giả cần làm rõ các thông tin về thông số kỹ thuật, đánh giá hiệu quả thực tế, các tiêu chuẩn môi trường của chất thải, nước đầu ra... Khi được cải tiến, hoàn thiện hơn, mô hình này có thể phù hợp áp dụng tại các hộ gia đình tự xử lý rác ở các vùng sâu, vùng xa, nơi khó vận chuyển rác ra ngoài để xử lý tập trung.

Kết luận buổi làm việc, qua tổng hợp ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ ghi nhận tâm huyết cải thiện, chuyển đổi công năng của hầm biogas của nhóm tác giả; đồng thời cho rằng, sáng chế này phù hợp với định hướng tuần hoàn tài nguyên trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.

Về kiến nghị chuyển giao công nghệ này cho Nhà nước, ông Hanh cho biết: Đây là vấn đề không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT, nhóm tác giả có thể liên hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về đề xuất hỗ trợ tổ chức hội thảo, theo ông Hanh, khi Bộ TN&MT tổ chức các hội thảo chuyên đề về kinh tế tuần hoàn, Net Zero, phân loại rác tại nguồn có thể mời Trung tâm Vị Nông tham dự với tư cách diễn giả.

Về kiến nghị tăng cường truyền thông về công nghệ mới này, ông Hanh cho biết, khi sáng kiến của Trung tâm Vị Nông được các cơ quan khoa học chứng nhận thì việc truyền thông sẽ thuận lợi và có hiệu quả hơn.

Về đề xuất hỗ trợ tài chính, theo ông Hanh, nhóm tác giả có thể xây dựng dự án vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng. Ngoài ra, ông Hanh cho rằng, để thuận lợi cho các bước triển khai sau này, Trung tâm Vị Nông nên đề xuất một đề tài khoa học công nghệ hoặc dự án sản xuất thử nghiệm. Đây là cơ sở khoa học quan trọng nhằm chứng minh tính đúng đắn về khoa học cũng như hiệu quả thực tế.

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây