“Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải. Phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường”. Đây là quy định mới đặt ra trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022, với mục đích bảo vệ môi trường nước mặt nói chung và lưu vực sông nói riêng.
*Không cấp giấy phép nếu nguồn nước không còn khả năng chịu tải
Để bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, Luật BVMT 2020 đã đưa ra nhiều quy định mới, quyết liệt và rõ ràng hơn. Cụ thể, tại Điều 7 "Quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt" (thuộc Mục 1: Bảo vệ môi trường nước”), đưa ra quy định: chất lượng nước, trầm tích và môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá; khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố.
Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.
Bảo vệ môi trường nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.
Theo đó, tại Điều 8 đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt. Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phải công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn.
*Lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước
Quy định rõ về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, Điều 9 của Luật BVMT 2020 đặt ra yêu cầu: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 của Luật này phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt bao gồm: Đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy. Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt. Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải. Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được lập theo thời kỳ 5 năm.
Cụ thể hóa quy định này, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, tại Điều 5 đã nêu rõ trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Trong đó, có quy định rõ trình tự, thủ tục về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường được thực hiện với từng sông, hồ liên tỉnh.
Theo đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức điều tra, đánh giá, lập dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ liên tỉnh; tùy điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh. Sau đó, Bộ TN&MT tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan về dự thảo kế hoạch; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ liên tỉnh, bao gồm: tờ trình, dự thảo kế hoạch, dự thảo quyết định ban hành kế hoạch, báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý.
Đáng lưu ý, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định: Trường hợp quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã được ban hành, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Trường hợp quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia chưa được ban hành, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh được xây dựng, ban hành căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn