WMO ngày 31/10 cảnh báo, nồng độ khí nhà kính kỷ lục đã gây ra những hậu quả tiềm ẩn đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.
COP26 là một bước ngoặt
Được công bố vào ngày khai mạc Hội nghị COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh), báo cáo cho biết, hiện tượng La Niña làm mát tạm thời vào đầu năm, dấu hiệu cho thấy năm 2021, dự kiến là năm nóng thứ 5 đến thứ 7 được ghi nhận. Ngoài ra, kể từ năm 2013, mực nước biển toàn cầu tăng nhanh đến một mức cao mới, với nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng cao và axit hóa đại dương.
Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia và các chuyên gia khoa học. Báo cáo cũng chỉ rõ những tác động tàn phá đối với an ninh lương thực và di cư, các hệ sinh thái quan trọng và quá trình chậm tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, báo cáo trên đề cập đến các bằng chứng khoa học mới nhất cho thấy hành tinh đang thay đổi. “Từ độ sâu đại dương đến đỉnh núi, từ sông băng tan chảy đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt không ngừng, các hệ sinh thái và cộng đồng trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Guterres cho biết thêm.
“COP26 phải là một bước ngoặt. Cánh cửa đã mở. Các giải pháp sẽ được đưa ra tại hội nghị. Các quốc gia phải hành động ngay lúc này, với tham vọng và sự đoàn kết để bảo vệ nhân loại và tương lai của chúng ta”, quan chức LHQ nhấn mạnh.
Hàng loạt hiện tượng khí hậu khắc nghiệt
Báo cáo cũng chỉ rõ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua. Trong đó, có sự kiện lần đầu tiên trời mưa thay vì tuyết rơi ở đỉnh của tảng băng ở Greenland. Đồng thời, các sông băng ở Canada bị tan chảy nhanh chóng.
Trong khi đó, nắng nóng gay gắt ở Canada và các khu vực ở Mỹ đã đẩy nhiệt độ lên gần 50 độ C tại một ngôi làng ở British Columbia của Canada và Thung lũng Chết ở California (Mỹ) trải qua nhiệt độ 54,4 độ C. Tương tự, nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại nhiều khu vực của Địa Trung Hải, với những đám cháy kinh hoàng.
Vùng cận nhiệt đới Nam Mỹ cũng trải qua một năm hạn hán thứ 2 liên tiếp, ảnh hưởng đến nông nghiệp, giao thông và sản xuất năng lượng. Tại Trung Quốc và các khu vực của châu Âu, lượng mưa hàng tháng giảm trong hàng giờ, khiến hàng chục người thương vong và hàng tỷ người thiệt hại về kinh tế.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho rằng, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, một số sự kiện trên xảy ra do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tác giả: Lan Chi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn