Phát biểu chủ trì, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua là bước thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam theo hướng tiệm cận và hài hòa với chính sách của các nước tiên tiến trên thế giới về BVMT, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội. Để Luật được thực thi vào đầu năm 2022, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT cũng có nhiều điểm mới, mang tính đột phá.
Với khối lượng được hướng dẫn, quy định chi tiết trong Nghị định rất lớn, nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành, Thứ trưởng mong muốn, các địa phương cùng đóng góp ý kiến để dự thảo Nghị định tiếp tục được chỉnh sửa, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Phát biểu tại 19 điểm cầu, 20 ý kiến từ các địa phương đã được chia sẻ, ghi nhận. Các đại biểu đều thống nhất với bố cục Dự thảo Nghị định, các quan điểm chính của Dự thảo, là công cụ pháp lý vô cùng quan trọng để đưa Luật BVMT 2020 thực thi vào đời sống.
Đại biểu tỉnh Quảng Trị phát biểu ý kiến qua màn hình trực tuyến.
Góp ý cụ thể cho dự thảo Nghị định, các đại biểu từ các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum… rất quan tâm đến các quy định về thủ tục hành chính, phân loại dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, xử lý chất thải, quan trắc môi trường, xử lý ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, quy định về khoảng cách an toàn môi trường, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường…
Ghi nhận các ý kiến của địa phương, ngay tại Hội thảo, các lãnh đạo của Tổng cục Môi trường đã trao đổi lại một số nội dung như: bảo vệ thành phần môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất hữu cơ khó phân hủy, phân vùng xả thải vào các nguồn nước,…
Ngày 9/7, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực miền Nam về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Tổng cục Môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn