Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cho các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý và tái chế CTRSH để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý CTRSH hiện nay.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTRSH, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
Theo đó, đề án đưa ra 13 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện và các giải pháp cụ thể như tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CTRSH, trong đó, tập trung vào hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTRSH và tăng cường năng lực thực thi; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý CTRSH; xây dựng và triển khai các mô hình quản lý CTRSH; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và tăng cường đào tạo, truyền thông và nâng cao nhận thức, sự tham gia và trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Góp ý tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Nguyễn Thạc Cường đề xuất đưa thêm nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình về thu gom, phân loại rác thải thải nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng, miền trong Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn vào danh sách các nhiệm vụ đề án ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, nhiệm vụ 3 cần điều chỉnh lại tên cho phù hợp, bám sát theo nhiệm vụ của Chỉ thị 41/CT-TTg. Nhiệm vụ 7 cần xem xét, điều chỉnh lại tiến độ thời gian thực hiện cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả.
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và môi trường, trong mục tiêu cần phải bổ sung nội dung về đảm bảo việc quản lý CTRSH được thực thi theo đúng Luật BVMT 2020. Về các danh mục nhiệm vụ, nhiệm vụ 5 nên xem xét, cân nhắc có nên đưa vào danh mục nhiệm vụ ưu tiên không hay nên dừng ở cấp Bộ. Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ cần có hoạt động để có thể học tập được kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy được ý thức trách nhiệm của người dân và xã hội, hiện nay nhiều nước đã sử dụng các ứng dụng quản lý chất thải sinh hoạt và rất thành công, kể cả công nghệ về theo dõi dữ liệu về chất thải.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tập trung rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp để hoàn thiện đề án.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án trong việc thống nhất quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng cho rằng, các nội dung của đề án cần bám sát theo tinh thần của Luật BVMT 2020, các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải cần cụ thể, chi tiết, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật từ việc phân loại, thu gom, xử lý đến định mức kinh tế kỹ thuật, mô hình công nghệ...để góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn