Ngày 15/3, tại Hà Nội, Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường.
GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thuỷ văn Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội trao Quyết định cho TS Hà Thị Thuận, tân Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường cùng các cán bộ Viện
Trong khuôn khổ sự kiện, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường (tên tiếng Anh: HMERD); Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng cho Tiến sĩ Hà Thị Thuận. Tầm nhìn của Viện là trở thành một trong những cơ sở hàng đầu, tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ khí tượng thủy văn và môi trường, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường chính thức thành lập ngày 20/11/2023 theo Quyết định số 08/QĐ-HKTTV của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam. Đây được xem là dấu mốc quan trọng tiếp theo trong quá trình hình thành và phát triển của Hội KTTV Việt Nam, nhằm tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức của một ngành quan trọng và có bề dày lịch sử.
Với đội ngũ nòng cốt là các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường, Viện sẽ tăng cường công tác nghiên cứu phát triển ứng dụng các tiến bộ, công nghệ khí tượng thủy văn nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Các đại biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường chính thức thành lập
Lĩnh vực khoa học và công nghệ của Viện:
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về khí tượng, khí hậu, khí tượng nông nghiệp, thủy văn, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn biển, môi trường và biến đổi khí hậu.
- Tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ về phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
- Thực hiện công tác giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và môi trường.
- Điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn, hải văn, địa hình, địa chất và môi trường.
- Xây dựng báo cáo hiện trạng, diễn biến và đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó sự cố môi trường, tràn dầu.
- Thực hiện dịch vụ giám sát thi công công trình, hiện trường về các lĩnh vực khí tượng thủy văn, hải văn, môi trường và biến đổi khí hậu.
- Xây dựng, phát triển và ứng dụng phần mềm, mô hình, cơ sở dữ liệu, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý; thẩm định các dự án đầu tư, các đề tài nghiên cứu, công nghệ, báo cáo kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường, sinh thái, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, sinh kế và phát triển bền vững.
Theo GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, sự ra đời của Viện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuyên môn, khoa học công nghệ của hội. Viện cần tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học và đào tạo chuyên sâu để cho các hoạt động của Viện có thể đóng góp hiệu quả, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt
Nhấn mạnh yêu cầu “biến thông tin thành kiến thức”, GS.TS Trần Thục đề nghị Viện cần cần chuyển tải những thông tin KTTV thành dạng sử dụng có hiệu quả, làm ra sản phẩm khoa học công nghệ, dịch vụ khí hậu, dịch vụ khoa học công nghệ và đặc biệt là tạo được tác động tích cực là biến thông tin thành tri thức.
Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, GS Trần Thục cho rằng đã có nhiều nghiên cứu về tác động của BĐKH về mặt vật lý, nhưng chưa có nhiều NC về tác động chuyển đổi khi triển khai các hành động ứng phó. Đây là vấn đề Viện cần chú trọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng vào năm 2050, vì thế Viện cần chú trọng đến các nghiên cứu liên quan về chuyển đổi xanh và bền vững, trong đó có kiểm kê phát thải khí nhà kính; hạn mức phát thải khí nhà kính; các tiêu chuẩn về "xanh/bền vững"…
Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu chúc mừng
Phát biểu tại Lễ ra mắt, tân Viện trưởng Hà Thị Thuận khẳng định sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình, không ngừng học hỏi, rèn luyện, nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ mới trong công tác nghiên cứu khoa học, cùng với tập thể lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cộng tác viên của Viện, chung sức đồng lòng xây dựng Viện trở thành đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu về công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường. Tại Viện, sự đổi mới và ứng dụng của khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành khí tượng thủy văn.
Trụ sở Viện đặt tại Tổng cục Khí tượng thuỷ văn
Trong thời gian tới, Viện sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các dự án nghiên cứu và phát triển đột phá, nhằm cải thiện hệ thống cảnh báo sớm khí tượng thủy văn, môi trường, đánh giá biến động khí hậu và hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của con người đối với môi trường.
Việc phát triển và triển khai các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường, bao gồm trí tuệ nhân tạo AI, IoT (Internet of Things), và big data sẽ được ưu tiên, nhằm tối ưu hóa quy trình quan trắc và dự báo, chuyển tải thông tin KTTV thành các hành động cụ thể. Đồng thời, chú trọng xây dựng các giải pháp thông minh và hiệu quả để hỗ trợ quản lý tài nguyên nước, giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai, và ngăn chặn các tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Viện cũng tổ chức các chương trình đào tạo và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thách thức của biến đổi khí hậu, môi trường và tăng cường kiến thức liên quan. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và hỗ trợ cộng đồng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo ra các giải pháp toàn cầu cho các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường. Tham gia vào các dự án quốc tế với mục tiêu chung là xây dựng một hệ thống khí tượng thủy văn và môi trường toàn cầu.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn