Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Khí tượng thuỷ văn; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Vụ Môi trường; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Khoa học – Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế; Thanh tra Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSONMT). Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm điều hành Hội nghị.
Tập trung nguồn lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm điều hành Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết: Trong năm 2023, mặc dù đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đơn vị mới được thành lập, vừa phải kiện toàn tổ chức để nhanh chóng đi vào ổn định, vừa phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để đưa công tác BVMT và nhiệm vụ chuyên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai xuyên suốt. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo cùng sự vào cuộc trực tiếp của tập thể Lãnh đạo Cục và sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội nghị
Năm 2023, Cục đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đang trình 2 Quyết định về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030. Trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành 2 Thông tư (Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT và Thông tư số 04/2023/TT-BTNMT). Cục đã ban hành 4 QCVN về chất lượng môi trường; đang trình ban hành 9 QCVN, trong đó có 4 QCVN về chất thải và 5 QCVN về phế liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, để Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành/ ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Đặc biệt, Cục đã tham mưu Bộ ban hành 2 Văn bản hướng dẫn về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT 2020. Cục đã và đang tập trung, khẩn trương xây dựng hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và phối hợp xây dựng hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Tăng cường kiểm tra, chủ động kiểm soát nguồn ô nhiễm
Thông tin tại Hội nghị, năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam theo tinh thần hướng về địa phương, cơ sở. Qua đó, Bộ cùng với các địa phương đã có những trao đổi, hướng dẫn các quy định, chính sách của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được hiệu quả và thống nhất. Đồng thời, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường có tính đặc trưng của khu vực và vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Các cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tham dự Hội nghị.
Hoạt động phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các nguồn thải lớn được thực hiện bài bản với 18 Tổ giám sát được triển khai và không để xảy ra sự cố về ô nhiễm môi trường. Hoạt động kiểm tra đã được triển khai quyết liệt với tổng số 247 cơ sở. Theo đó, đã xử lý/ kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT đối với 48 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng. Qua đó các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định.
Bên cạnh đó, Cục đã duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với các trạm quan trắc môi trường quốc gia, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến hiện trạng môi trường, cảnh báo chất lượng môi trường cho cộng đồng, người dân. Năm 2023, có thêm 18 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục được đưa vào hoạt động, nâng tổng số trạm quan trắc môi trường tự động liên tục lên thành 59 trạm. Cục cũng ban hành 24 báo cáo định kỳ về chất lượng môi trường kèm theo những cảnh báo, dự báo về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy tái chế rác thải, biến rác thải thành tài nguyên
Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và đơn vị trực thuộc Cục phát biểu và báo cáo tham luận tại Hội nghị
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thi năm 2023 ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Đồng thời, xây dựng các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quy hoạch chung của các tỉnh/thành phố.
Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi năng lượng đã được các địa phương đẩy mạnh. Hiện nay, có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Mở rộng hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát ô nhiễm
Bên cạnh các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm, hoạt động hợp tác quốc tế được Lãnh đạo Cục coi là một kênh hết sức quan trọng, kết hợp với nguồn lực trong nước để thực hiện thành công các mục tiêu và chính sách về bảo vệ môi trường. Cùng với việc duy trì quan hệ với các đối tác đã có của Bộ, Cục đã chủ động thiết lập thêm được mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với nhiều các tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là trong bối cảnh uy tín và vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao. Tính riêng trong năm 2023, Cục đã mở rộng hợp tác với 8 đối tác quốc tế, qua đó, nâng số đối tác quốc tế có quan hệ trực tiếp với Cục lên thành 23 tổ chức.
Năm 2023, Cục đã cử các Đoàn công tác nước ngoài để tham gia các hội thảo, hội nghị, tập huấn tại nước ngoài; tổ chức tiếp và làm việc với 12 Đoàn chuyên gia nước ngoài
Phối hợp cùng thực hiện các nhiệm vụ
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phát biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đánh giá cao báo cáo của Cục KSONMT, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tham luận tại Hội nghị, các đơn vị chuyên môn của Cục KSONMT cũng thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng cùng lãnh đạo Cục thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Lãnh đạo Cục cũng như Lãnh đạo Bộ giao phó.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Cục KSONMT. Sau một năm thành lập mới, Cục đã kế thừa, phát huy được các kết quả, truyền thống, trí tuệ sau khi tách ra từ Tổng cục Môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, công tác BVMT đã có những tiến bộ rõ rệt thông qua các kết quả ấn tượng, tạo ra bước ngoặt từ bị động chuyển sang chủ động kiểm soát. Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Chủ động kiểm soát, phòng ngừa, trên cơ sở pháp lý, kiểm tra, giám sát và quan trắc. Dùng hệ thống quan trắc không chỉ quan trắc hiện trạng mà phải biến nó thành công cụ dự báo. Sắp tới phải dự báo được ô nhiễm nguồn nước và quản lý lưu vực sông. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu tư tăng cường, nhất là mảng quan trắc môi trường, có kế hoạch thực hiện được việc chủ động kiểm soát, đáp ứng yêu cầu được giao.
Thực hiện nhiệm vụ phải hiệu quả
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thông qua báo cáo công tác năm 2023 cho thấy, mặc dù là đơn vị được sắp xếp lại, nhưng ngay từ đầu năm 2023, Cục đã nhanh chóng thiết lập, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để bắt tay ngay vào công việc; từng bước điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế. Với những kết quả đã đạt được, cho thấy khối lượng công việc của Cục được giao trong năm 2023 là rất lớn, nhưng Cục đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và huy động các nguồn lực để giải quyết và hoàn thành khối lượng lớn các công việc.
Có được kết quả này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của toàn thể lãnh đạo, tập thể Cục KSONMT. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chúc mừng và biểu dương tập thể Lãnh đạo Cục mà đứng đầu là đồng chí Cục trưởng, cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị trực thuộc, trong năm qua đã nỗ lực cống hiến, sáng tạo không ngừng nghỉ để đạt được những kết quả tích cực trong công tác năm 2023 và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao phó.
Với 9 lĩnh vực và 25 nhiệm vụ được giao, Cục KSONMT sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, do đó Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục cần tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có; vai trò của người đứng đầu sẽ phải toàn diện hơn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ cũng như các địa phương để thực hiện nhiệm vụ theo đúng với tên gọi “kiểm soát ô nhiễm môi trường”.
Với tinh thần “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo và trách nhiệm” mà Cục KSONMT đề ra để thực hiện nhiệm vụ 2024, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu gắn thêm nhiệm vụ “hiệu quả”; gắn với hiệu quả chính là phải có sản phẩm được ghi nhận của chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong công tác kiểm soát và bảo vệ môi trường.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng cho rằng, Cục KSOMT cần phát huy tối đa lợi thế của những “cánh tay nối dài” của Cục là các đơn vị Chi cục tại các miền; khai thác tối đa và hiệu quả việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý cũng như điều hành; vận hành tốt các Trung tâm tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia góp phần cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi môi trường có diễn biến xấu trên phạm vi cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ được các nguồn lực về kinh nghiệm và tài chính cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chủ chốt Cục KSONMT và các cán bộ Cục
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chủ chốt Cục KSONMT và các cán bộ Cục
Bên cạnh những kết quả, thành công đã đạt được, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị tập thể Cục KSONMT cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại mà Cục đã nêu trong báo cáo để từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nghiêm túc cầu thị và từng bước điều chỉnh, thay đổi để hoàn thiện hơn nữa.
Để năm 2024 và những năm tiếp theo, hoạt động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên cả nước nói chung, tiếp tục đạt được những kết quả khả quan hơn nữa, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục KSONMT và tất cả các đơn vị chuyên môn cần làm tốt công tác xây dựng chính trị, tư tưởng trong Đảng để có được tập thể đoàn kết, vững mạnh và đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, có khen thưởng, xử phạt rõ ràng, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, tạo điều kiện để các nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy năng lực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các địa phương triển khai theo đúng yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
Nghiên cứu thể chế, chính sách, kiểm tra giám sát, mạnh dạn phân cấp phân quyền để các địa phương phê duyệt; Tăng cường kiểm tra giám sát, về các địa phương, cơ sở để nắm bắt tình hình thực trạng từ đó đưa ra giải pháp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong lĩnh vực môi trường và các địa phương.
Ngoài ra, Bộ trưởng mong muốn Cục KSONMT chú trọng hơn nữa công tác phổ biến pháp luật chính sách để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, hiệu quả gắn với sản phẩm; tiếp tục đổi mới sáng tạo để có nhiều kết quả xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng, với truyền thống xây dựng và phát triển của ngành môi trường trong những năm vừa qua, với những thành tích đã đạt được trong năm 2023, năm đầu tiên hoạt động với cơ cấu, tổ chức mới, Cục KSONMT sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho Bộ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ giao; kịp thời tham mưu cho Bộ ban hành những quyết sách quan trọng nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ môi trường trước đòi hỏi thực tiễn phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của đất nước như hiện nay.
Nguồn tin: botruong.monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn