Bảo đảm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước: Thiết lập công cụ kỹ thuật giám sát hiệu quả nguồn nước

Thứ ba - 28/12/2021 04:17
Bộ TN&MT đang xây dựng Thông tư kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước để tạo hành lang pháp lý quan trọng hướng tới mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước
Quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước

Tập trung xây dựng mạng quan trắc quốc gia

Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, trong năm 2021, Bộ TN&MT tiếp tục phê duyệt và thực hiện bổ sung xây dựng hoàn thiện mạng quan trắc quốc gia tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 9 điểm với 31 công trình quan trắc (nguồn vốn WB, giai đoạn 2), thực hiện đầu tư dự án xây dựng 66 điểm với 81 công trình quan trắc khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tới năm 2025, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất trên 5 vùng quan trắc gồm: Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ theo hướng tự động hóa, đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước với 13 lưu vực sông và 43 tỉnh trên toàn quốc. Các bản tin dự báo cảnh báo tài nguyên nước theo thời hạn tháng, mùa, năm và đột xuất (nếu có theo yêu cầu) được xuất bản định kỳ, cung cấp thông tin cho các cấp quản lý và các địa phương.

Mặc dù công tác dự báo, cảnh báo đã được Trung tâm thực hiện từ năm 2013, nhưng đến nay, chưa hề có Thông tư quy định kỹ thuật hướng dẫn cho công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Trung tâm đã xây dựng ISO 2015, trong đó, có lưu đồ quy trình thực hiện dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, tuy nhiên, không còn thích hợp với các bản tin theo thời đoạn và phạm vi dự báo như hiện nay, cần phải xây dựng quy định kỹ thuật mới phù hợp.

Lấp những những khoảng trống văn bản pháp lý

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, việc thiếu văn bản quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật gây khó khăn cho các cấp quản lý và cán bộ kỹ thuật trong việc thực hiện công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo nguồn tài nguyên này.

Do đó, sau khi được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư, Trung tâm quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước tại Khoản 2, Điều 28 Luật Tài nguyên nước; công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Tài nguyên nước; định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Thông tư này áp dụng cho các nội dung: nhiệm vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước. Thông tư áp dụng với hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước quốc gia; các tổ chức, cá nhân có hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước.

Theo đó, về quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước mặt bao gồm: Quan trắc mực nước mặt; Quan trắc nhiệt độ nước mặt; Quan trắc lưu lượng nước mặt; Quan trắc lưu lượng chất lơ lửng; Quan trắc chất lượng nước mặt.

Quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Quan trắc mực nước dưới đất; Quan trắc nhiệt độ nước dưới đất; Quan trắc lưu lượng nước điểm lộ; Quan trắc chất lượng nước dưới đất; Bơm thông rửa công trình quan trắc. Quy định kỹ thuật dự báo tài nguyên nước mặt bao gồm: Dự báo lưu lượng nước; Dự báo mực nước; dự báo tổng lượng nước mặt; Dự báo lượng nước mặt có thể khai thác sử dụng; Xu thế mức độ ô nhiễm; Xu thế mức độ xâm nhập mặn; Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt, thiếu nước mặt; Cảnh báo khả năng đáp ứng của nguồn nước mặt cho các mục đích khai thác sử dụng; Cảnh báo khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước mặt.

Quy định kỹ thuật dự báo tài nguyên nước dưới đất gồm: Dự báo mực nước, lưu lượng điểm lộ nước dưới đất; Dự báo tổng lượng nước dưới đất; Dự báo lượng nước dưới đất có thể khai thác sử dụng; Xu thế, mức độ ô nhiễm; Xu thế, mức độ xâm nhập mặn; Cảnh báo mức độ suy giảm mực nước; Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước; Cảnh báo khả năng đáp ứng chất lượng nguồn nước dưới đất cho các mục đích khai thác sử dụng.

Về quy định kỹ thuật xây dựng bản tin tài nguyên nước gồm; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn 10 ngày; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn tháng; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn mùa; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn năm; Xây dựng nội dung bản tin chuyên đề tài nguyên nước.

Về dự báo, cảnh báo tài nguyên nước gồm: Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn 10 ngày; Xây dựng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn tháng; Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước lưu vực sông thời hạn mùa; Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước thời hạn năm; Xây dựng nội dung bản tin chuyên đề tài nguyên nước.

Hiện nay, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đang vận hành 6 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt từ năm 2013. Ngoài ra, hiện có 7 trạm quan trắc nguồn nước xuyên biên giới do Cục Quản lý tài nguyên nước quản lý và 90 trạm lồng ghép thủy văn - tài nguyên nước. Với mạng quan trắc nước dưới đất hiện nay, Trung tâm đang vận hành từ năm 1988 đến nay, bao gồm: 941 công trình quan trắc, trong đó, có 134 công trình quan trắc tự động, 491 công trình quan trắc bán tự động, 316 công trình quan trắc thủ công.

Tác giả: Thiên Trường

Nguồn tin: monre.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây