Phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Thứ hai - 07/08/2023 04:04
Ngày 21/7/2023, Đoàn công tác Viện Cơ khí Động lực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội do PGS. TS. Phạm Hữu Tuyến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về đề tài khoa học công nghệ của Bộ Công Thương với chủ đề: “Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy Đề án phát triển Nhiên liệu sinh học ở Việt Nam”.
Phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR cho biết: Công ty BSR, một trong những doanh nghiệp lớn và quan trọng trong lĩnh vực lọc hóa dầu ở Việt Nam, đã nỗ lực thực hiện một số công việc, đóng góp vào sự phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Từ năm 2014, xăng E5 RON 92, với mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải và đảm bảo an toàn cho môi trường đã được chạy thử và tiêu thụ.  

Tuy nhiên, việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) trong quá trình sản xuất vẫn còn đang đối mặt với một số thách thức. Trong đó, chi phí nguyên liệu ban đầu cho việc sản xuất xăng E5 vẫn còn cao, một số quy định và chính sách ưu đãi, phân phối thị trường cũng có nhiều khó khăn đã làm cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học của các nhà máy bị ngưng trệ. “Chúng tôi hy vọng, đề án của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ là lối mở đến Bộ Công Thương và được các cơ quan chức năng mở nút thắt, giúp giải quyết được các vấn đề khó khăn, nhằm tạo điều kiện cho các Nhà máy sản xuất NLSH ổn định sản xuất, góp phần tái tạo môi trường hiện nay” - Ông Khương Lê Thành - Thành viên HĐQT BSR nhấn mạnh! 

PGS. TS. Phạm Hữu Tuyến - Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đề cập đến lộ trình sử dụng xăng sinh học được đề xuất. Qua đó, các khó khăn trong sản xuất cồn ethanol nhiên liệu như đầu vào nguyên liệu giá thành cao, không ổn định; chi phí đầu tư xử lý môi trường trong tổng mức đầu tư là lớn. Ở đầu ra: Giá thành cao, khó cạnh tranh với ethanol nhập khẩu, trong khi giá bán thì theo thỏa thuận với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu; mức tiêu thụ xăng sinh học thấp nên nhu cầu cồn ethanol nhiên liệu chưa cao; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp sản xuất NLSH còn ít;… 

Tại phần trình bày Đề án, TS. Nguyễn Đức Khánh - Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, NLSH đã được sử dụng phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu của các nhà chuyên môn của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra được rằng, những động cơ sử dụng NLSH có độ bền cao hơn, tốt cho môi trường hơn (CO giảm trung bình 5,9% và 10,9% đối với sử dụng xe máy, CO giảm 14,4% và 19,3% đối với sử dụng ô tô). 

Trên cơ sở phân tích các kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước về ảnh hưởng của NLSH đến động cơ và các hệ thống, các nhà nghiên cứu của Viện Cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra kết luận: Với tỷ lệ ethanol trong NLSH tới 10%, có thể sử dụng trực tiếp mà không cần thay đổi kết cấu của động cơ; Tỷ lệ ethanol (5%) trong nhiên liệu có vai trò như phụ gia cải thiện quá trình làm việc của động cơ, nâng cao tính năng kinh tế, kỹ thuật và giảm phát thải độc hại; Hàm lượng ethanol thấp không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít đến các chi tiết chính của động cơ. Trong một số trường hợp, sử dụng NLSH với tỷ lệ ethanol thấp có thể giảm được lượng muội bám trên piston, xylanh và giảm hao mòn động cơ. Đề án cũng đề xuất lộ trình sử dụng xăng sinh học hợp lý để có thể thúc đẩy NLSH được sử dụng hiệu quả, từ tháng 12/2025 đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị sản xuất, phối trộn và phân phối NLSH (vốn, công nghệ, thuế, sử dụng đất…) cũng rất cần được quan tâm; Đồng thời, hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng giống cây nguyên liệu có năng suất cao, NLSH thế hệ 2 - 3, các công nghệ sản xuất tiên tiến hiệu suất cao; điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học dựa trên khả năng giảm phát thải so với xăng khoáng, khuyến khích các cửa hàng bán lẻ phân phối xăng sinh học,… 

Ông Phạm Văn Vượng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Kế hoạch BSR, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đã đưa ra những đóng góp về mặt thực tiễn để hoàn thiện Đề án của Đại học Bách khoa Hà Nội: “Phát triển NLSH trong suốt thời gian qua đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt đối với BSR-BF, nhằm xúc tiến mô hình sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường”. Ông Phạm Văn Vượng cũng đưa ra các ý kiến về các vấn đề chính sách, thuế, vốn vay, lãi suất, sử dụng đất…, cũng như chi phí làm các trạm phối trộn, xác định giá NLSH để đảm bảo cho đơn vị cung cấp lẫn khách hàng,… còn cần thêm nhiều nỗ lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi thành công và bền vững trong tương lai. 

Buổi làm việc đã có những đóng góp từ các nhà chuyên môn để hoàn thiện Đề án phát triển NLSH của Đại học Bách khoa Hà Nội, như việc tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, xây dựng hạ tầng phù hợp, đào tạo nhân viên và áp dụng các chính sách ưu đãi là những giải pháp cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng NLSH và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của đất nước. 

Được biết, Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy Đề án phát triển NLSH ở Việt Nam” sẽ được trình lên Bộ Công thương vào cuối năm 2023 để đưa ra những chủ trương phù hợp cho lộ trình phát triển NLSH. 

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây