Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết các hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cần giải quyết bài toán môi trường và tận dụng rác như nguồn tài nguyên, tại hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - thực trạng và giải pháp" tổ chức tại Bến Tre, sáng 9/12. Hội thảo nhằm khái quát bức tranh về thực trạng rác thải tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như giới thiệu các giải pháp công nghệ xử lý rác đang áp dụng trong và ngoài nước từ các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Thái, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học... góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý rác vào thực tế. Ông mong muốn có sự phối hợp kịp thời giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương cũng như các doanh nghiệp, viện trường, nhà nghiên cứu để giải quyết triệt để các thách thức trong việc xử lý rác. Các ứng dụng thực tế những giải pháp công nghệ xử lý chất thải cần được thực hiện một cách toàn diện, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Than sinh học được tạo thành từ quá trình xử lý rác bằng khí hóa. Ảnh: BTC
Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp giới thiệu công nghệ xử lý rác bằng khí hóa. Điểm đặc biệt của công nghệ này là không kén rác đầu vào, tức không cần phân loại rác trước khi xử lý. Rác được trải qua nhiều công đoạn xử lý tách, phân loại bằng máy. Hệ thống sấy sẽ làm giảm độ ẩm của rác và đưa vào lò khí hóa phân hủy rác ở nhiệt độ 400 độ C trong điều kiện thiếu oxy. Quá trình phân hủy sẽ tạo ra sản phẩm cuối cùng là than sinh học có thể sử dụng trồng trọt, cải tạo đất hiệu quả, phù hợp với xu thế sử dụng đất đen trên thế giới. Ngoài ra, công nghệ này được cho phát khí thải nồng độ rất thấp và không tạo ra nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn tin: vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn