Xây dựng tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm
Ngoài chú trọng tạo ra tín chỉ carbon từ rừng, tỉnh Quảng Nam đang hướng tới khai thác tín chỉ các bon từ các hệ sinh thái khác.
Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa làm việc với đại diện Tập đoàn VinaCapital về việc xúc tiến quy trình nghiên cứu xây dựng tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Hiện, Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng VinaCapital đang tiếp tục cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu, cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế để hoàn thiện việc xây dựng đề án “Tín chỉ các bon cho các hệ sinh thái trong Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An”.
Đây là hoạt động nhằm định lượng khả năng cố định các bon của các hệ sinh thái quan trọng trong khu dự trữ sinh quyển như rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm, rừng dừa nước tại hạ lưu sông Thu Bồn, các thảm cỏ biển, rong biển và các hệ sinh thái chủ đạo khác.
Mục tiêu của đề án này là tín chỉ các bon sẽ được giới thiệu và bán trên thị trường các bon trên thế giới, tạo được nguồn thu từ dịch vụ hệ sinh thái, tái đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững của khu sinh quyển.
Đề xuất lộ trình, kinh phí thực hiện dự án đô thị carbon thấp
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình số 381/TTr-BHTĐT gửi UBND thành phố đề xuất đầu tư Dự án đô thị carbon thấp.
Theo tờ trình này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh dự kiến công tác chuẩn bị dự án thực hiện từ năm 2024 -2025, đầu tư xây dựng dự án từ năm 2026-2030. Hoàn thành đưa vào sử dụng sau năm 2030.
Cơ quan này cũng đề xuất với UBND thành phố dự kiến nguồn đầu tư khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng để thực hiện Dự án.
Mục tiêu của dự án này nhằm giúp thành phố tăng tốc đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” thông qua đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải và xây dựng cơ chế, thể chế để hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh trong việc tạo và phát hành tín chỉ carbon chất lượng cao để giao dịch trên thị trường quốc tế. Thành phố sẽ khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nhân thực hiện các giải pháp giảm phát thải như lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sản tự tiêu, chuyển đổi sang xe điện, nâng cấp tất cả đèn đường truyền thống trên địa bàn Thành phố lên đèn đường LED... Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sản tự tiêu không nối lưới tại các tòa nhà công của Thành phố (thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98).
Sau khi đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà hành chính công sẽ có tổng công suất từ 30 MWp đến 40 MWp, còn hệ thống điện mặt trời trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải sẽ có công suất từ 60-70 MWp. Khi đó sẽ giảm phát thải đáng kể khí nhà kính tại Thành phố.
Dự án cũng sẽ thúc đẩy tư nhân thực hiện các giải pháp giảm phát thải thông qua việc chi trả khoản hỗ trợ tài chính cho khối tư nhân khi các đơn vị này chuyển giao lượng giảm phát thải cho Thành phố để giao dịch tín chỉ carbon tạo ra nguồn thu từ thị trường carbon quốc tế.
Tại các hội thảo bàn về giảm phát thải và phát triển thị trường carbon gần đây do các đơn vị của thành phố tổ chức, giới chuyên gia chỉ ra rằng, việc triển khai dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố. Thứ nhất là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai là mang đến các hiệu quả kinh tế: Khi các cơ chế chính sách khuyến khích được ban hành sẽ tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tích cực chuyển đổi xanh... Thông qua đó nâng cao vị thế quốc tế của thành phố trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
Mặt khác, Tp Hồ Chí Minh đang cùng Ngân hàng thế giới (WB) triển khai thị trường tín chỉ carbon, dự kiến sẽ hoàn thành khung của thị trường này trong quý I/2024.
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn