Giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Thứ tư - 05/07/2023 05:15
Hiện nay, ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề đáng báo động tại các thành phố lớn, nhất là trong các tháng mùa khô, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Để kiểm soát ô nhiễm, các sở, ngành của Hà Nội đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhưng chất lượng không khí vẫn chậm được cải thiện, gia tăng ô nhiễm vào mùa khô và ở khu vực nội thành.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Báo động thực trạng ô nhiễm

Hiện nay, ô nhiễm không khí (ONKK) ở Hà Nội và các đô thị xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, hiện nay, Sở đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí và 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc lắp đặt 2 trạm quan trắc cố định và 30 trạm quan trắc cảm biến trên địa bàn Thành phố; tiếp nhận, giám sát dữ liệu quan trắc từ 13 trạm quan trắc khí thải của 8 đơn vị sản xuất trên địa bàn Hà Nội. Kết quả phân tích từ 34 trạm quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội từ đầu năm đến nay cho thấy, chỉ số chất lượng môi trường không khí (MTKK) trên địa bàn thành phố có sự khác biệt giữa các loại hình và khu vực quan trắc. Cụ thể, ở khu vực nông thôn chất lượng không khí được cải thiện nhất, với tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 98,6%; khu vực đô thị và cận đô thị, tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 80,9%, còn lại là ngày kém và xấu. Trong khi đó, quan trắc đối với loại hình giao thông cho thấy, tỷ lệ ngày tốt và trung bình là 63%, còn lại là ngày kém, xấu và rất xấu. Những ngày chất lượng không khí từ mức kém đến mức rất xấu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chất lượng không khí ở Hà Nội còn có sự khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, tại một số khu vực đặt trạm quan trắc như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), Thành Công (quận Ba Đình), Chi cục BVMT (quận Cầu Giấy),… Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Mùa mưa, chỉ số AQI được cải thiện theo hướng tốt hơn,... Theo báo cáo của Chi cục BVMT Hà Nội, có nhiều nguồn gây ô nhiễm MTKK. Cụ thể, toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770 nghìn xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ONMT, trực tiếp khiến cho ONKK ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra MTKK 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2 gây ô nhiễm MTKK nghiêm trọng,… Theo kết quả giám sát vào tháng 3/2023 của Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có nhiều nguồn khí thải lớn ra môi trường, từ phương tiện giao thông, sản xuất làng nghề, hoạt động tại các cụm công nghiệp. Trong khi đó, một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt nên tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tái sử dụng bếp than tổ ong, đốt rác thải sinh hoạt vẫn tiếp diễn, ý thức BVMT của một số người dân còn hạn chế.

Ngoài ra, do quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương chưa có điểm trung chuyển, phải sử dụng điểm tập kết rác thải ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Một số huyện gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, nên vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác thải không đúng nơi quy định. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến. Việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông (nhất là xe máy) cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường,… chưa được giải quyết triệt để.

Thực trạng cho thấy, tuy Thành phố đã xác định được nguyên nhân và triển khai nhiều giải pháp hạn chế nguồn gây ô nhiễm, nhưng đến nay một số nhiệm vụ triển khai chưa đạt tiến độ, dẫn đến chất lượng không khí chậm được cải thiện.

Giảm thiểu ô nhiễm là yêu cầu cấp thiết

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ONKK, thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Kết quả kiểm kê khí thải do đốt rơm rạ cho thấy, tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng trên địa bàn Thành phố năm 2021 còn khoảng 23,4% (năm 2017, tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng là 39%).

Cùng với đó, Sở TN&MT cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT, trong đó, có các nội dung về MTKK. Năm 2020 - 2021, các cơ quan QLNN về môi trường của Thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 3.670 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 2.508 cơ sở (trường hợp) với tổng số tiền phạt là hơn 21 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải đã kiểm tra, xử lý 47.419 phương tiện vận tải vi phạm vệ sinh môi trường, phạt tiền gần 150 tỷ đồng; tạm giữ 627 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 4.672 trường hợp.

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp. Trong đó, Thành phố giao Sở TN&MT “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng MTKK cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ TN&MT trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.Thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải triển khai hiệu quả Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Ngoài những giải pháp trên, Ban Đô thị HĐND Thành phố đề xuất, cần tăng số trạm quan trắc không khí ở khu vực ngoại thành và có đánh giá chính xác mức độ ONKK ở từng khu vực để triển khai phương án xử lý; không đánh đồng số liệu của cả thành phố, dẫn đến triển khai dàn trải, gây tốn kém nguồn lực mà hiệu quả không cao. Theo PGS.TS. Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện đã xác định được 50% nguồn gây ONKK là chất hữu cơ. Do vậy, Thành phố cần lập đề án xử lý triệt để chất này; đồng thời, tăng nguồn lực về con người, tài chính cho các xã, phường, thị trấn để công tác quản lý môi trường đồng bộ tới tận cơ sở.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu ONKK vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Hà Nội. Để đạt được mục tiêu, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý nguồn gây ONKK. Đồng thời, cần sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm.

Ngày 31/3/2023, Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội đã làm việc với Sở TN&MT về việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT không khí trên địa bàn Thành phố. Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Sở TN&MT sớm hoành thành kế hoạch quản lý chất lượng MTKK; làm rõ chất lượng nhân lực tham gia vào công tác quản lý không khí môi trường trên địa bàn; làm rõ vấn đề xử lý ONMT sông hồ kênh rạch, di chuyển cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; cơ sở pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khí thải, ONKK,... Đoàn giám sát đã ghi nhận những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT. Đoàn giám sát đề nghị Sở TN&MT Hà Nội sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng MTKK; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm MTKK ra khỏi nội đô. Sở Giao thông và Vận tải đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ONMT; có hình thức khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

PHÚC BẢN

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây