Ngày 23/02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 – 2030.
Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 – 2030 có mục tiêu chung là đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.
Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.
Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa các sự cố chất thải xuyên biên giới.
Trong đó, ngành chức năng được yêu cầu tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề; trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, lưu giữ chất thải nguy hại...
Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với vùng, miền, Tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.
Kế hoạch cũng đưa ra dự báo các tình huống cơ bản có thể xảy ra như: Sự cố chất thải rắn thông thường (CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp...); Sự cố chất thải rắn nguy hại (chất thải y tế nguy hại dạng rắn, chất thải nguy hại dạng rắn); Sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải); Sự cố chất thải khí (khí thải).
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu ra các biện pháp phòng ngừa bao gồm: Kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đi đôi với kiện toàn lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.
Rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy, làng nghề...vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải. Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.
Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng từ Trung ương đến địa phương.
Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải sát thực tế với vùng, miền, địa phương. Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, tổ chức diễn tập, hội thao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa chất thải.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa chất thải.
Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả phải thực hiện theo quy trình cụ thể: Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố; Thiết lập Sở chỉ huy ứng phó; Đưa ra các biện pháp ứng phó và cuối cùng là khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố thảm họa.
Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án, các cơ sở tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đã được ban hành.
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn/ban-hanh-ke-hoach-quoc-gia-ung-pho-su-co-chat-thai-giai-doan-2023-2030-75719.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn