Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67 ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu DTSQ này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có trên 1.022 loài thực vật, trong đó có 22 loài ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ động vật rừng với 556 loài, trong đó có tới 16 loài đặc hữu, 47 loài ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có trữ lượng động vật, thực vật đa dạng và đạt chất lượng với hơn 800 loài thực vật bậc cao có mạch, hơn 400 loài động vật và 211 loài côn trùng. Trong đó, có nhiều loài động vật có tên trong Sách đỏ như: hổ, báo lửa, chà vá chân xám, vượn đen má vàng...
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (theo tinhgialai.vn)
Khu DTSQ Núi Chúa với tổng diện tích 106.046,45 ha, có vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, với đặc trưng là hệ sinh thái khô hạn, đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ và hệ sinh thái biển phong phú. Vườn quốc gia Núi Chúa đã ghi nhận 330 loài động vật có xương sống trên cạn với 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát – lưỡng cư, trong số đó có 46 loài là loài nguy cấp quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới; 350 loài san hô, trong đó có 307 loài San hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ, trong đó đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loại mới tại Việt Nam.
Vườn quốc gia Núi Chúa (theo baotainguyenmoitruong.vn).
Cả 2 khu DTSQ đều đáp ứng 7 tiêu chí trở thành khu DTSQ của UNESCO. Bên cạnh đó, hai khu sinh quyển đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống.
Việc UNESCO công nhận 02 khu DTSQ mới là sự công nhận sự đa dạng sinh học của Việt Nam; đây là cơ hội để các khu dự trữ sinh quyển tiếp tục được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội. Việc công nhận này cũng góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về tầm quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại các khu DTSQ.
Việc thiết lập và quản lý các khu DTSQ là một sáng kiến của UNESCO nhằm thể hiện tiếp cận phát triển bền vững, con người là trung tâm của hệ sinh thái và giải quyết hài hòa các mục tiêu bảo tồn và phát triển trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn 2050 của Chiến lược toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học là “sống hài hòa với thiên nhiên".
Là một nước có tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học rất phong phú, Việt Nam có nhiều khu vực tiềm năng đáp ứng tiêu chí của UNESCO để được công nhận là khu DTSQ.
Trong 20 năm qua, kể từ khi khu rừng ngập mặn Cần Giờ của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu DTSQ đầu tiên vào năm 2000, đến nay, Việt Nam đã có 11 khu DTSQ được công nhận bao gồm Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (năm 2000), Khu DTSQ Đồng Nai (2001), Khu DTSQ Cát Bà (2004), Khu DTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng (2004), Khu DTSQ Kiên Giang (2006), Khu DTSQ Tây Nghệ An (2007), Khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An (2007), Khu DTSQ Mũi Cà Mau (2009), Khu DTSQ Lang Biang (2015). Các DTSQ ở Việt Nam có tổng diện tích hơn 4,1 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người và cũng là những khu vực có giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học vô cùng phong phú.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đề cử các khu DTSQ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các Ban quản lý khu DTSQ để thực hiện tốt các yêu cầu của UNESCO, đồng thời thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các khu vực này nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Tạp chí Môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn