Ổn định và bổ sung diện tích rừng sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Đây là nội dung định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước có tính xuyên quốc gia
Cụ thể, về định hướng sử dụng tài nguyên, trong đó đối với tài nguyên nước, chủ động, ưu tiên và đảm bảo nguồn nước về trữ lượng và chất lượng cấp cho sinh hoạt; đảm bảo nguồn nước cung cấp nước cho đô thị, nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 95 - 100%, nông thôn đạt 93 - 95% vào năm 2030.
Phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy tối thiểu, đạt được hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường trong cả mùa lũ lẫn mùa kiệt trên các lưu vực sông.
Giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu với hạ lưu, giữa các địa phương trên các lưu vực sông và những mâu thuẫn có tính xuyên quốc gia trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Vu Gia - Thu Bồn, Cả, Đồng Nai, Cửu Long, Ba.
Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Về nguồn lợi thủy sản, giảm dần sản lượng khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Khai thác có chọn lọc với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập và ổn định sinh kế cho ngư dân.
Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý giữa các vùng biển, vùng sinh thái nội địa; các nghề khai thác xâm hại nguồn lợi, hủy hoại môi trường, sinh thái sang các nghề khai thác thân thiện, đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, vùng nội địa theo hướng phát triển hợp lý, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển; các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên các vùng biển và hệ thống sông, hồ chính.
Thiết lập các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng
Với tài nguyên rừng, thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp.
Bố trí không gian và quy mô diện tích rừng đảm bảo yêu cầu phòng hộ hệ thống các con sông lớn, các hồ, đập quan trọng và các vùng đất thấp, vùng đất ngập nước, vùng ven biển chịu ảnh hưởng bởi tác động thiên tai và biến đổi khí hậu; duy trì, mở rộng hệ thống rừng đặc dụng; ổn định và bổ sung diện tích rừng sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu quan trọng trong khai thác chế biến lâm sản. Thiết lập các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng.
Hạn chế tối đa và tiến tới dừng khai thác các mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ
Về tài nguyên khoáng sản, cơ bản hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên phần đất liền; điều tra, phát hiện khoáng sản tại các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Điều tra thăm dò các loại khoáng sản công nghiệp, tập trung thực hiện và hoàn thành điều tra thăm dò chi tiết đối với các khu vực có triển vọng cao, các khoáng sản quan trọng và khoáng sản có tiềm năng trữ lượng lớn phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ưu tiên thăm dò các mỏ, khu vực phân bố khoáng sản trong vùng phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hoặc các vùng lân cận; những vùng khoáng sản có điều kiện khai thác thuận lợi hoặc có khả năng đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo hiệu quả, không tác động xấu đến môi trường.
Hạn chế tối đa và tiến tới dừng khai thác các mỏ phân tán, nhỏ lẻ, các mỏ khai thác phát sinh tác động ảnh hưởng lớn đến môi trường, cảnh quan khu vực.
Chú trọng sắp xếp, bố trí hình thành các cụm mỏ có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu và áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài; ưu tiên sử dụng các loại khoáng sản cho phát triển công nghiệp quy mô lớn, hiện đại ở trong nước; xuất khẩu khoáng sản trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản.
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn.
Ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh
Về định hướng về bảo vệ môi trường, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng.
Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.
Ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
Cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt; chuyển đổi các bãi chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt thành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại.
Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom.
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn. Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện.
Tăng cường quản lý nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, đặc biệt tại các dòng sông, đoạn sông liên tỉnh bị ô nhiễm.
Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại chất lượng nước ở các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên hiện có; thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và khu bảo tồn biển. Xây dựng các hành lang đa dạng sinh học.
Bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) hiện có; tiếp tục nâng tổng số khu Ramsar của cả nước. Tiếp tục bảo vệ, sử dụng bền vững và khoanh vùng, thành lập mới các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng được các tổ chức quốc tế công nhận.
Từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai
Về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Phát triển các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, phấn đấu theo mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của quốc gia.
Củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung: củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão theo mức thiết kế.
Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều, nhất là đối với các đô thị lớn; công trình kiểm soát nguồn nước phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp
Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá, bao gồm cả các khu vực hải đảo; đẩy mạnh trồng cây chắn sóng bảo vệ đê, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.
Xây dựng, nâng cấp công trình trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai.
Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới tất cả các địa phương, người dân trên cả nước và tàu thuyền hoạt động trên biển, trong đó ưu tiên đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động và hệ thống quản lý tàu cá qua vệ tinh, đảm bảo phủ sóng viễn thông và phát thanh - truyền hình đến các vùng biển, đảo, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn