1. Đặt vấn đề
Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, Quy hoạch BVMT là quy hoạch ngành quốc gia. Theo Điểm c Khoản 5 Điều 25 thì quản lý chất thải là một trong 4 nội dung chủ yếu của Quy hoạch BVMT.
Theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 18/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mục tiêu cụ thể liên quan đến chất thải là hình thành các khu quản lý CTR (CTR), nguy hại tập trung. Đối tượng CTR cần quản lý bao gồm: Chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) thông thường, chất thải rắn xây dựng (CTRXD), CTR trong sản xuất nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp (CTRNN); rác thải sinh hoạt (CTRSH) đô thị, nông thôn, làng nghề; chất thải nguy hại (CTNH); các loại chất thải đặc thù khác. Định hướng nhiệm vụ là xác định các vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận CTR, nguy hại để xử lý của các khu quản lý, xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
Bài viết sẽ định hướng phát triển các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung trong Quy hoạch BVMT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch quản lý CTR tại Việt Nam
2.1. Kết quả đạt được
Công tác quy hoạch quản lý CTR các cấp từ cấp quốc gia, cấp vùng, liên tỉnh, cấp ngành đến cấp tỉnh, liên huyện, huyện đã được quan tâm lập phê duyệt và triển khai theo phân cấp quản lý trong thời gian qua. Theo đó, Bộ Xây dựng đã lập hoặc thẩm định, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý CTR cấp vùng (4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) (Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)) [01-02], cấp liên tỉnh (lưu vực Sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) [03-05], cấp ngành (y tế, nông thôn mới) [06 - 07], cấp tỉnh (Thủ đô Hà Nội) [08]. Ngoài ra, với mục tiêu nâng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối [09], Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam [10].
Ở cấp địa phương, UBND cấp tỉnh phân công cho Sở Xây dựng hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng quy hoạch quản lý CTR. Đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn trước khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực.
Trên thực tế, toàn bộ CTRSH, CTRCN thông thường được xử lý theo quy mô từng tỉnh, liên huyện, huyện, liên xã, xã. Đã hình thành được các khu quản lý CTNH cấp quốc gia (liên vùng), cấp vùng, cấp liên tỉnh.
Các quy hoạch quản lý CTR đã được lập trên cơ sở dự báo khối lượng, thành phần CTR phát sinh trong kỳ quy hoạch; xác định phương thức và phân vùng thu gom, vận chuyển; xác định số lượng, vị trí và quy mô các khu quản lý; phương pháp/công nghệ sử dụng. Các quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng những khu quản lý (KQL) CTR tại các địa phương trong phạm vi vùng quy hoạch.
2.2. Một số khó khăn, vướng mắc
Chất lượng của công tác quy hoạch quản lý CTR nhìn chung chưa cao; dự báo chưa có cơ sở, việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng khu quản lý CTR gặp khó khăn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; quy hoạch thiếu yếu tố liên kết liên tỉnh, liên kết vùng, quy hoạch chưa gắn với kế hoạch thực hiện. Công tác tổ chức triển khai các quy hoạch quản lý CTR đã phê duyệt của các địa phương gặp nhiều khó khăn do chưa phù hợp với thực tế, triển khai còn chậm do thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Do chưa có yêu cầu bắt buộc phân loại CTR tại nguồn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xử lý CTR, nên hầu hết các bãi chôn lấp CTR đã đóng cửa và đang hoạt động là các điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường, đặc biệt khó khăn trong công tác xử lý CTR tại các xã miền núi, xã biên giới và hải đảo.
Việc bổ sung các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gặp khó khăn; chưa có văn bản hướng dẫn về các công trình cần điều chỉnh vào quy hoạch điện lực theo quy định của Luật Quy hoạch, nên tiến độ triển khai các dự án điện rác chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn.
Việc tổ chức thực hiện các KQL cấp vùng, liên tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa được thực hiện hoặc khó thực hiện do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thiếu công nghệ xử lý CTR phù hợp và thiếu sự đồng thuận giữa các địa phương, thiếu sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Cho đến nay chưa có KQL CTRSH, CTRCN thông thường cấp quốc gia, cấp vùng, liên tỉnh nào đi vào hoạt động.
3. Dự báo nhu cầu hình thành các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Dự báo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khối lượng CTRSH gia tăng ngày càng nhiều. Theo điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR [11], đến năm 2025 tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom. Hơn nữa, CTRSH sau khi phân loại tại nguồn tạo thành 3 nhóm: CTRSH có khả năng tái sử dụng tái chế, chất thải thực phẩm và CTRSH khác, thì tỷ lệ CTRSH được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân để tái sử dụng, tái chế sẽ cao, tỷ lệ CTRSH phải chôn lấp còn lại rất thấp. Vì vậy, cần thiết phải hình thành các khu quản lý chất thải rắn, nguy hại tập trung, bao gồm tái chế các thảnh phần CTRSH đã được phân loại, xử lý các thành phần CTNH không có khả năng tái chế, đốt thu hồi nhiệt các thành phần CTR có thể cháy được, chôn lấp những thành phần CTR trơ và tro xỉ còn lại của quá trình đốt. Các khu quản lý CTRSH có thể hình thành ở quy mô cấp tỉnh, cấp liên huyện, cấp huyện, cấp liên xã, cấp xã. Tuy nhiên, đối với những thành phần CTRSH sau khi phân loại có quy mô quá nhỏ, nếu đầu tư khu quản lý chất thải rắn, nguy hại ở quy mô cấp cấp tỉnh, cấp liên huyện, cấp huyện, cấp liên xã, cấp xã sẽ không hiệu quả. Vì vậy, cần phải đầu tư khu quản lý cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh để thu gom các thành phần CTRSH đã được phân loại tại nguồn từ nhiều tỉnh, từ các tỉnh trong vùng, từ nhiều vùng nhằm giảm xuất đầu tư, tăng cường hiệu quả xử lý, tái chế. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả đầu tư, các khu quản lý chất thải rắn, nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh có thể kết hợp xử lý, tái chế CTRCN, CTRNN, CTRXD và các loại chất thải đặc thù khác (Ví dụ: tháo dỡ, xử lý, tái chế chất thải cồng kềnh).
4. Định hướng phát triển các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung tại Việt Nam
4.1. Định hướng hình thành các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung
Các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh sẽ được giữ nguyên nếu phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; có công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; đảm bảo các yêu cầu về BVMT; không bị ngập lụt do tác động của biến đổi khí hậu; đảm bảo các yêu cầu của QCVN 01:2021/BXD.
Các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh cần phải nâng cấp, cải tạo nếu phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không đạt ít nhất một trong các yêu cầu sau đây: (i) Không có công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; (ii) Không đảm bảo các yêu cầu về BVMT; (iii) Không đảm bảo các yêu cầu của QCVN 01:2021/BXD.
Các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh cần phải dừng hoạt động, cải tạo, phục hồi môi trường nếu không đảm bảo một trong các tiêu chí sau: (i) Đã đóng cửa do không còn khả năng tiếp nhận; (ii) Không phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Có công nghệ xử lý lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhưng không có khả năng khắc phục; (iv) Không đảm bảo các yêu cầu của QCVN 01:2021/BXD, nhưng không có khả năng khắc phục.
Các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh hình thành mới phải đảm bảo các yêu cầu sau: (i) Phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phù hợp với Quy hoạch BVMT quốc gia được phê duyệt; (ii) Đảm bảo các yêu cầu của QCVN 01:2021/BXD; (iii) Có công nghệ xử lý, tái chế tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu về BVMT.
Các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung cấp tỉnh, cấp liên huyện, cấp huyện, cấp liên xã, cấp xã giao cho địa phương thực hiện trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4.2. Định hướng về vị trí và khoảng cách an toàn môi trường đối với khu quản lý CTR, nguy hại cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh
1) Đến năm 2030, trên cả nước hình thành hệ thống các khu quản lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp liên tỉnh thống nhất, đồng bộ và có công nghệ phù hợp đáp ứng yêu cầu thực hiện thành công các mục tiêu về quản lý tổng hợp CTR [11].
- Đối với cấp quốc gia: Hình thành 03 khu quản lý chất thải tập trung liên vùng ở 03 miền (miền Bắc, miền Trung, miền Nam).
- Đối với cấp vùng: Hình thành 08 khu quản lý chất thải tập trung liên tỉnh tại 06 vùng kinh tế (Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du miền núi phía Bắc, Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
- Đối với cấp liên tỉnh: Khuyến khích hình thành các khu quản lý chất thải tập trung cấp liên tỉnh khi khoảng cách vận chuyển CTR từ khu vực thu gom tới các khu quản lý chất thải tập trung quá xa (Ví dụ: Vượt quá 60 km) nhằm giảm thời gian vận chuyển, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí xử lý trên cơ sở thỏa thuận giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2) Vị trí của các khu quản lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp liên tỉnh trong kỳ quy hoạch phải phù hợp với chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR [11]; quy hoạch quản lý CTR cấp vùng [01-02], liên tỉnh [03-05], bao gồm KQL Nam Sơn (Hà Nội), KQL Sơn Dương (Quảng Ninh), KQL Hương Văn (Thừa Thiên-Huế), KQL Bình Nguyên (Quảng Ngãi), KQL Cát Nhơn (Bình Định), Khu liên hợp xử lý Tân Thành (Long An), KQL CTR công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), KQL CTR nguy hại (Cà Mau); đảm bảo khoảng cách ATMT quy định tại Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng [12].
3) Về diện tích khu quản lý chất thải rắn, nguy hại tập trung: Quy mô diện tích của khu quản lý chất thải rắn, nguy hại được xác định trên cơ sở công nghệ và khối lượng CTR phải xử lý. Diện tích đất xây dựng cơ sở xử lý CTR quy hoạch mới được xác định trên cơ sở công suất, công nghệ xử lý hoặc tính toán theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
4.3. Định hướng về công nghệ tại các khu quản lý chất thải rắn, nguy hại cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh
Công nghệ sẽ được lựa chọn, áp dụng tại các khu quản lý CTR, nguy hại cấp quốc gia, cấp vùng, cấp liên tỉnh phải tiên tiến, phù hợp với khối lượng, thành phần CTRSH được phân loại; khối lượng, thành phần CTRCN, CTRNN, CTRXD, CTNH, chất thải đặc thù khác. Các công nghệ có thể lựa chọn bao gồm: Tái chế nhựa, cao su, kim loại, giấy, gỗ, thủy tinh; ủ yếm khí, hiếu khí chất thải thực phẩm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; đốt có thu hồi năng lượng; đồng đốt trong lò nung công nghiệp; khí hóa, đốt nhiệt phân, sản xuất viên nhiên liệu (RDF, RPF); sản xuất vật liệu xây dựng, chôn lấp hợp vệ sinh tro xỉ phát sinh từ quá trình đốt…
5. Kết luận - Kiến nghị
Bài báo đã trình bày về đối tượng, phạm vi về quản lý CTR, nguy hại trong Quy hoạch BVMT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch quản lý CTR tại Việt Nam thời gian qua; dự báo nhu cầu hình thành các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó định hướng phát triển các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung tại Việt Nam.
Đề nghị các cơ quan liên quan xem xét lồng ghép các định hướng phát triển các khu quản lý CTR, nguy hại tập trung trong quá trình xây dựng Quy hoạch BVMT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn