Xây dựng các Quy chuẩn môi trường là cơ sở để đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào đời sống

Thứ năm - 12/08/2021 12:58
Ngày 11/8/2021, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc xây dựng các Quy chuẩn môi trường. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp

     15 dự thảo Quy chuẩn đã được xây dựng hoàn thiện

     Báo cáo tình hình xây dựng các Quy chuẩn, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, đến nay, Tổng cục đã xây dựng được 15 dự thảo QCVN của Việt Nam, bao gồm: 5 QCVN về chất lượng môi trường, 4 QCVN về chất thải và 6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

     Điểm nổi bật khi xây dựng các dự thảo QCVN này là các nhóm soạn thảo đã dựa vào kinh nghiệm, thông số trong Quy chuẩn của các nước tiên tiến như Hàn Quốc, đồng thời so sánh với các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam để đưa ra các ngưỡng quy định phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn, khoa học.

     Đơn cử, đối với dự thảo QCVN về chất lượng không khí xung quanh, về cơ bản các thống số khí đã được quy định tương đương với mức của Hàn Quốc và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy vậy, riêng đối với 2 thông số bụi PM10 và bụi PM2,5, nhóm soạn thảo đã rà soát các số liệu quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường tại một số thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. “Theo đó, nhóm soạn theo kiến nghị đối với 2 thông số này, ngưỡng quy định đề xuất cần phải dựa vào thực tế số liệu quan trắc và các điều kiện khí tượng, đặc điểm khí hậu của Việt Nam để cân nhắc đưa ra ngưỡng phù hợp” - ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho hay.

     Dự thảo QCVN về chất lượng nước mặt, dự kiến sẽ phân vùng chất lượng nước thành 4 khu vực thay vì 7 mức chất lượng như của Hàn Quốc.  Quy định này sẽ đảm bảo các ngưỡng quy định phù hợp với thực tế chất lượng nước ở Việt Nam, đảm bảo mục tiêu tham khảo, học tập cách tiếp cận và quy định của Hàn Quốc nhưng vẫn phù hợp với pháp luật và thực tế hiện hành tại Việt Nam.

     Đối với Dự thảo QCVN về chất lượng đất, ông Lê Hoài Nam cho biết, nếu như ở Hàn Quốc, ngưỡng quy định các thông số ô nhiễm trong đất được chia làm 3 nhóm đất theo phân loại vào theo 2 ngưỡng (gồm ngưỡng cảnh báo và ngưỡng xử lý) thì tại Việt Nam, việc phân loại các ngưỡng chất lượng đất chỉ dựa trên 1 ngưỡng nồng độ ô nhiễm và có đánh giá đối với các tiêu chí khác như diện tích khu vực ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng... Vì vậy, nhóm soạn thảo kiến nghị trong QCVN chất lượng đất sẽ sử dụng 1 ngưỡng nồng độ để phù hợp với quy định pháp luật về quản lý của Việt Nam.

     Kiểm soát đầu ra không vượt quá sức chịu tải của môi trường

     Trình bày về dự thảo các QCVN về chất thải, ông Nguyễn Phạm Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải thông tin, đối với QCVN về nước thải công nghiệp, nhóm soạn thảo đề xuất toàn quốc áp dụng 1 quy chuẩn nước thải chung, tùy thuộc loại hình sản xuất của cơ sở xả thải sẽ quy định bắt buộc các thông số môi trường tối thiểu cần giám sát, quan trắc; cơ quan cấp phép môi trường có thể tùy loại hình dự án đặc thù có thể bổ sung thêm một số thông số khác theo yêu cầu quản lý trong giấy phép môi trường.

Đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp

     Đối với QCVN về khí thải công nghiệp, đề xuất xây dựng 1 quy chuẩn chung, các thông số quan trắc, ngưỡng kiểm soát theo loại hình công nghệ, thiết bị xả thải.
     Đối với QCVN về QCVN về nước thải chăn nuôi có quy định ngưỡng kiểm soát cho 7 thông số (pH, BOD, COD, TSS, T-N, T-P, Tổng Coliform).

     Để kiểm soát nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị, do hiện nay nước thải từ các các trạm xử lý nước thải đô thị chưa được quản lý thống nhất (có nơi quy định theo QCVN 14, có nơi quy định theo QCVN 40) nên Tổng cục Môi trường đề nghị được quy định cụ thể tại QCVN này (thay thế QCVN 14). Trong đó, do tính chất nước thải đô thị chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt, nhưng có lưu lượng xả thải rất lớn, thường từ 10.000 - 15.000 m3/ngày trở lên (hơn nhiều lần so với hầu hết các nguồn nước thải công nghiệp) nên các thông số kiểm soát được kế thừa từ QCVN 14 nhưng ngưỡng kiểm soát có giá trị chặt chẽ hơn để đảm bảo tổng tải lượng chất ô nhiễm không vượt quá sức chịu tải của môi trường.

     Thông tin thêm về tình hình xây dựng và hoàn thiện các dự thảo Quy chuẩn này, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và công nghệ cho biết, đến nay, 6 Quy chuẩn phế liệu đã đủ điều kiện ban hành. Đối với 5 QCVN về chất lượng môi trường, sau khi nhận được hồ sơ từ Tổng cục Môi trường, Vụ sẽ phối hợp Vụ Pháp chế hoàn thiện lại, sau đó gửi Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định và có thể ban hành được vào tháng 10/2021. Với 4 QCVN về chất thải, Vụ Khoa học và Công nghệ đề nghị Tổng cục Môi trường khẩn trương tổng hợp các ý kiến góp ý, gửi Vụ Khoa học và Công nghệ thẩm tra để kịp ban hành trong năm 2021.

     Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc ban hành các Quy chuẩn môi trường trong bối cảnh bước sang năm 2022, Luật BVMT năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, các Quy chuẩn môi trường của Việt Nam chính là cơ sở để thực thi Luật BVMT và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng rà soát, đề xuất xây dựng kịp thời các quy chuẩn được ưu tiên cho việc thực thi Luật BVMT.

     Thứ trưởng lưu ý, đơn vị soạn thảo xem xét kỹ lưỡng về lộ trình áp dụng các Quy chuẩn này, bởi khi các định mới được đưa ra sẽ tác động rất lớn đến việc đầu tư, nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. “Các quy chuẩn môi trường mới được xây dựng dựa trên phương thức tiếp cận mới, cần đưa ra các ngưỡng giá trị quy định sát thực tiễn, khách quan, khoa học, là điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giúp đất nước phát triển bền vững” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

     Bộ TN&MT đã ban Quyết định số 2587/QĐ-BTNMT ngày 16/11/2020 về Phê duyệt Đề án hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo định hướng hội nhập quốc tế, giai đoạn 2020 - 2022 và Quyết định số 2664/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường giai đoạn 2020 - 2022. Theo Kế hoạch này, có tổng số 31 QCVN dự kiến được ban hành (25 QCVN thay thế cho 48 QCVN và xây dựng mới 6 QCVN đã được quy định trong Luật BVMT năm 2020).

                                         Nguyệt Minh (Theo baotainguyenvamoitruong.vn)

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tạp chí Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây