Hiện Cục Quản lý tài nguyên nước đã tập hợp tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Dự kiến, dự thảo sẽ được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, gửi hồ sơ lấy ý kiến vào đầu tháng 9/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào đầu tháng 10/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ đưa vào chương trình họp vào đầu tháng 11; Chỉnh lý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên cơ sở Nghị quyết cuộc họp của Chính phủ và gửi đến Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh trong tháng 12; Chính phủ gửi Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng Luật trước ngoài 1/3/2022.
Ngoài ra để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) còn tiến hành xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về an ninh tài nguyên nước và an toàn hồ đập; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012; Xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng các Quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước;
Cùng với đó, Cục còn xây dưng dự thảo Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Sê San, Srêpok; sông Đồng Nai; sông Hồng - Thái Bình; sông Ba; sông Mã; sông Vu Gia - Thu Bồn; sông Hương; sông Cả; sông Trà Khúc; sông Kôn; 02 Đề án trọng điểm: Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.
Để quản lý nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả, tiết kiệm, Cục Quản lý tài nguyên sẽ tiếp tục thực hiện điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm; tập trung điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000, tỷ lệ 1:50.000 cho các vùng khan hiếm nước, thiếu nước và tỷ lệ 1:25.000 cho một số vùng trọng điểm; xây dựng và thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia. Đồng thời thực hiện quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
Để điều hoà, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng, Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng cần sử dụng công cụ quan trắc, giám sát tự động trên cơ sở các quy hoạch và hạn ngạch cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước; Tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống tác hại do nước gây ra. Về lâu dài, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng pháp luật về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện các biện pháp tích nước, điều hòa, phân bổ, sử dụng tổng hợp, bền vững tài nguyên nước
Nhằm bảo vệ nguồn nước, Cục và Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo, thực hiện các giải pháp chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng; thực hiện các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước của những vùng thường xuyên bị hạn hán; nghiên cứu, điều tra khả năng bổ cập nước nhân tạo tại các khu vực thích hợp; Thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; tiếp tục triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phòng chống sụt lún, sạt lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông;
Nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương, cơ chế chia sẻ, giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước xuyên biên giới theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế cũng là một giải pháp trọng tâm trong giai đoạn hội nhập quốc tế tới đây.
Tác giả: N. Bách
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn