Đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” - Những mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện

Thứ hai - 02/08/2021 06:43
Để thực hiện được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng Đề án Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam
Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: MH
Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: MH

5 mục tiêu cụ thể

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, Đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực quản lý CTRSH CTRSH cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý và tái chế CTRSH để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý CTRSH hiện nay.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTRSH, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH và tăng cường năng lực thực thi. Trong đó, tập trung xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường tại các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do CTRSH gây ra, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2025, 90 - 95% các bãi chôn lấp đã đóng cửa, các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh được xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường; Hoàn thiện quy định áp dụng các công cụ kinh tế, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2025, 50% lượng chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị và 35% lượng chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn được thu gom, xử lý và tái chế riêng.

Mục tiêu tiếp theo là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý CTRSH; nâng cao năng lực cho các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, phấn đấu đến năm 2025 tại khu vực đô thị, 90% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; tại khu vực nông thôn, 80% lượng CTRSH phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy việc xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn, phấn đấu đến năm 2023 có 2.000 - 3.000 xã, phường, thị trấn xây dựng và thực hiện mô hình phân loại CTRSH tại nguồn để làm cơ sở nhân rộng ra toàn quốc. Đồng thời tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội trong công tác quản lý CTRSH.
 

13 nhiệm vụ ưu tiên

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ TN&MT đã đưa ra 13 nhiệm vụ ưu tiên. Đó là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý CTRSH; Rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép nội dung các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng vào Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép nội dung các quy hoạch quản lý chất thải rắn địa phương vào quy hoạch tỉnh.

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong việc xử lý chất thải theo hướng tiệm cận với các nước tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ hoạt động tái chế, tái sử dụng CTRSH nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng kế hoạch triển khai, huy động các nguồn ngân sách và xã hội hóa để xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường tại các bãi chôn lấp đã đóng cửa, các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh, các bãi chôn lấp chất thải tự phát.

Đầu tư mới hoặc chuyển đổi công nghệ của các cơ sở xử lý CTRSH sang công nghệ xử lý chất thải có kết hợp với thu hồi năng lượng tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ.

Thí điểm áp dụng việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở nhân rộng trên toàn quốc.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về quản lý CTRSH.

Rà soát, đánh giá, biên soạn và đưa vào nội dung giáo dục về môi trường, trong đó có nội dung về quản lý CTRSH vào chương trình của các cấp học.

Xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý CTRSH vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu gom và vận chuyển nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH, áp dụng thí điểm tại một số thành phố.

Xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng tự quản tham gia quản lý CTRSH.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư, tín dụng, và khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây