Những quy định mới về tài nguyên môi trường có hiệu lực trong tháng 11

Thứ ba - 02/11/2021 03:29
Trong tháng 11/2021, hàng loạt các quy định liên quan đến quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sẽ có hiệu lực thi hành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sửa đổi quy định đăng ký nuôi động vật hoang dã lần đầu tại cơ sở

Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/11/2021.

Theo quy định mới, động vật hoang dã, thực vật hoang dã là những loài động vật, thực vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc loài động vật, thực vật được nuôi, trồng trong môi trường có kiểm soát nhưng không phải là vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thuộc một trong các trường hợp sau: Loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES; Loài động vật rừng thông thường; Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.

Ngoài ra, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc đăng ký nuôi lần đầu tiên tại cơ sở các loài động vật hoang dã thuộc phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát. Cụ thể, trong 02 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam. Trong 15 ngày làm việc từ khi nhận được văn bản trên, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam trả lời bằng văn bản với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và loài khác có liên quan trong tự nhiên.

Ngoài ra, giảm thời hạn cấp giấy phép CITES nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES trong trường hợp cần tham vấn cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu xuống còn không quá 22 ngày làm việc (thay vì 30 ngày theo quy định hiện hành).

Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ TNMT

Từ ngày 15/11, Thông tư 16/2021/TT-BTNMT về việc quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: lập, phê duyệt, điều chỉnh Chương trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; nội dung và kỹ thuật trình bày định mức kinh tế - kỹ thuật.

Theo đó, công lao động bao gồm: công đơn và công nhóm; thời gian lao động đối với một ngày công là 08 giờ làm việc đối với lao động bình thường và 06 giờ làm việc đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương đối với lao động trực tiếp, bao gồm: nghỉ phép, nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), nghỉ lễ tết, nghỉ hội họp, học tập, tập huấn) được tính là 34 ngày trên tổng số 312 ngày làm việc của 01 năm.

Ngoài ra, Bộ cũng hướng dẫn xác định hao phí lao động tăng thêm so với điều kiện chuẩn, bao gồm: yếu tố về tự nhiên như địa hình, địa vật, giao thông, địa chất, thời tiết. Các mức độ ảnh hưởng đến việc thực hiện (hao phí thời gian) chênh nhau từ 10% đến 20%, cá biệt không quá 30% của các loại, hạng, nhóm liền kề.

03 hình thức giám sát hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/11/2021.

Theo đó, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc của các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc giám sát được thực hiện bằng các hình thức: Giám sát tự động, trực tuyến; Giám sát định kỳ; Giám sát bằng camera.

Cụ thể, hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 01 triệu m3 trở lên sẽ thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số gồm: mực nước hồ; lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu; lưu lượng xả qua nhà máy; lưu lượng xả qua tràn. Đối với thông số giám sát tự động, trực tuyến, không quá 15 phút 01 lần; đối với thông số giám sát định kỳ, tối thiểu vào các thời điểm 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ trong mùa lũ; không quá 12 giờ 01 lần và tối thiểu vào các thời điểm 07 giờ và 19 giờ trong mùa cạn...

Bên cạnh đó, hạ tầng mạng giám sát phải bảo đảm an toàn, bảo mật và hoạt động ổn định; đáp ứng yêu cầu kết nối, truyền dữ liệu, cập nhật số liệu từ các thiết bị đo đạc, quan trắc của các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu giám sát và đáp ứng các yêu cầu kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống giám sát ở trung ương và hệ thống giám sát ở địa phương.

"Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã ban hành Công văn số 2620/TNN - NDĐ gửi các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ về việc triển khai thực hiện Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT.

Tác giả: Phạm Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây