Cấp thiết ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam

Thứ tư - 03/11/2021 02:20
Xuất phát từ xu thế chung của các nước trên thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, với thực tiễn quản lý chất thải rắn của Việt Nam, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” là vấn đề cấp thiết hiện nay để tăng cường hơn nữa công tác quản lý CTRSH, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong thời gian qua cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có xu hướng gia tăng qua các năm đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường nước ta. Trong khi đó, công tác quản lý CTRSH mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đang làm sâu sắc hơn các bất cập hiện tại và tạo ra thách thức mới cho quá trình đô thị hóa trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý CTRSH.

Các hoạt động kinh tế, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang là nguồn phát sinh chất thải lớn trong đó có CTRSH. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 KCN tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Ước tính, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp tại các vùng lãnh thổ năm 2020 khoảng 57.000 tấn/ngày, trong đó có CTRSH.

Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có giao thông, y tế và du lịch cũng có những đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ CTRSH cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở Viện, Trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Tổng cục Du lịch, Việt Nam có khoảng 28.000 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 15.387 cơ sở đăng ký xếp hạng, trong năm 2018 Việt Nam cũng đã đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế với số ngày lưu trú trung bình là 9,5 ngày và phục vụ trên 80 triệu khách nội địa, số ngày lưu trú trung bình của khách nội địa là 3,5 ngày; mỗi khách du lịch lưu trú lượng rác thải trung bình là 1,2 kg/ngày đêm, khách không lưu trú là 0,5 kg/ngày đêm. Lượng rác thải từ các khu, điểm du lịch, di tích, lễ hội là rác thải sinh hoạt, vẫn chỉ được thu gom và chuyển về các khu xử lý tập trung, phần lớn trong số đó cũng chưa được phân loại.

Việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng cũng như yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý CTRSH, đã có những bước dịch chuyển đáng kể, đáp ứng yêu cầu cơ bản của công tác bảo vệ môi trường, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra ngày một cao, trong khi việc triển khai thực hiện việc quản lý, xử lý CTRSH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường, đặc biệt là năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, năng lực của các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, nhận thức của cộng đồng trong việc quản lý CTRSH còn hạn chế.

Để sớm khắc phục các vấn đề còn hạn chế nêu trên liên quan đến công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, từng bước đưa hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn ngày càng nề nếp, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổng thể về mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nông thôn”.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, ngày 03 tháng 02 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 01 năm 2019, trong đó có nội dung giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý thống nhất nhà nước về chất thải rắn. Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và đã có Công văn số 1701/BTNMT-TCMT ngày 12 tháng 4 năm 2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam”.

Ngoài ra, ngày 25 tháng 10 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 5512/BTNMT-TCMT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gộp “Đề án tổng thể về mô hình công nghệ xử lý CTRSH và nông thôn” và “Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH đô thị và nông thôn” chung thành một Đề án “Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam”. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10484/VPCP-NN ngày 15 tháng 11 năm 2019 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý với kiến nghị nêu trên.

Mặt khác, theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS), Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ” với mục tiêu xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Đề án thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, sau khi tham vấn ý kiến của các bên liên quan, đã chỉnh sửa thành Đề án thúc đẩy các mô hình KTCS trong quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và tham vấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy KTCS trong quản lý chất thải là vấn đề mới, nội dung hẹp, hiện chưa có nước nào ban hành chính sách riêng để thúc đẩy KTCS trong quản lý chất thải. Có nhiều nội dung của Đề án trùng lặp với Đề án Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam, cụ thể là các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; thúc đẩy quản lý chất thải theo cơ chế thị trường; nâng cao nhận thức, năng lực thông qua truyền thông, đào tạo; hỗ trợ phát triển các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật trong quản lý chất thải. Mặc dù vậy, cũng có một số nội dung không bị trùng lặp gồm các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy quản lý chất thải rắn hiệu quả hơn. Các nội dung này là rất quan trọng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay về thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép lồng ghép nội dung Đề án thúc đẩy các mô hình KTCS trong quản lý chất thải rắn vào Đề án Tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam.

Nguồn tin: monre.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây