Khuyến khích di dời cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp

Thứ năm - 09/05/2024 21:40

Bạn đọc Lý Hoàng An (Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm tại làng nghề của địa phương. Tuy nhiên, gần làng nghề này sắp có cụm công nghiệp. Xin hỏi, cơ sở của tôi muốn di dời vào cụm công nghiệp có được không? Nếu được di dời, quyền và nghĩa vụ của chúng tôi là gì?

Khuyến khích di dời cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Từ ngày 1/5/2024, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này quy định rõ về ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp, cũng như quyền, nghĩa vụ của tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Cụ thể:

Ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp

Theo Điều 4 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí (như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,...); Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày; Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;

Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cụm công nghiệp; Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.

Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp phù hợp phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp

Cũng theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có các quyền sau: Được sử dụng, gia hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; cho thuê lại phần đất, nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và tài sản trên đất thuê theo quy định của pháp luật.

Sử dụng có trả tiền các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng và các dịch vụ khác theo quy định; Ứng vốn hoặc góp vốn để xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật theo thoả thuận với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Được hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; Hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và quyền lợi khác theo quy định của pháp luật liên quan.

Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp

Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có các nghĩa vụ sau: Sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp và nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); trường hợp quá thời hạn quy định phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gia hạn theo quy định.

Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, lao động, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp; nộp các khoản tiền sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng, tiện ích khác theo thỏa thuận.

Tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, ưu tiên lao động thuộc diện chính sách, hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gửi cơ quan thống kê trên địa bàn theo quy định của Luật Thống kê, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây