Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra định kỳ, thường xuyên các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và giải quyết, xử lý dứt điểm các nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Một số văn bản pháp luật có nội dung chưa phù hợp
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT, thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền, Bộ đã tiến hành kiểm tra văn bản QPPL lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND một số tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, có một số văn bản pháp luật có nội dung chưa phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo các kết luận kiểm tra đối với từng văn bản và đang phối hợp với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ để hoàn thiện dự thảo các kết luận kiểm tra và kiến nghị xử lý các nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Bộ cũng đã có Công văn số 9637/BTNMT-PC đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công tác tự kiểm tra, xử lý và lập danh mục các văn bản pháp luật đã được ban hành theo thẩm quyền từ ngày 30/10/2022 đến ngày 30/10/2023 đang còn hiệu lực pháp luật có các quy định liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi QLNN của Bộ.
Hiện đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ và 16 HĐND cấp tỉnh gửi báo cáo kết quả kiểm tra. Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế, sau khi tổng hợp các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương nhận thấy, về cơ bản các văn bản đã được ban hành có nội dung liên quan đến lĩnh vực QLNN của Bộ đều đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định, bám sát các nội dung được giao hướng dẫn theo thẩm quyền. Đối với một số văn bản của địa phương có nội dung chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật của ngành, Vụ sẽ tổng hợp và hoàn thiện báo cáo, đề xuất hướng xử lý phù hợp.
Hiện Bộ TN&MT đang phối hợp xử lý dứt điểm những văn bản có nội dung chưa phù hợp với chính sách quản lý đất đai do một số địa phương ban hành.
Phát hiện nội dung chưa phù hợp và đưa ra giải pháp khắc phục
Cũng theo lãnh đạo Vụ Pháp chế, các lĩnh vực QLNN của Bộ TN&MT rất rộng, liên quan trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; các bộ, ngành. Do đó, công tác rà soát, kiểm tra văn bản pháp luật của ngành để phát hiện những nội dung chưa phù hợp và đưa ra giải pháp khắc phục luôn là nhiệm vụ trọng tâm.
Hiện nay, Vụ Pháp chế đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện việc rà soát, kiểm tra bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, Vụ đang phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp trong việc kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực QLNN về TN&MT của các bộ, ngành, địa phương khi được yêu cầu.
Trong năm 2024, Vụ tiếp tục kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; quy định pháp luật theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và kiểm soát quản lý hoạt động kinh doanh. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản theo quy định và theo chỉ đạo của cấp trên, theo đó, thực hiện công bố danh mục văn bản về TN&MT hết hiệu lực, hết hiệu lực một phần, ngưng hiệu lực hoặc ngưng hiệu lực một phần.
Một số chính sách về tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 2/2024
Từ tháng 2/2024, các quy định liên quan đến xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu TN, MT biển và hải đảo; kỹ thuật giám sát bằng công nghệ viễn thám,… sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Có thể dùng số định danh cá nhân khi yêu cầu cung cấp dữ liệu TN, MT biển và hải đảo
Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng CSDL TN, MT biển và hải đảo.
Theo đó, việc khai thác và sử dụng CSDL TN, MT biển và hải đảo thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu được thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 23/2023/TT-BTNMT).
Tổ chức có nhu cầu khai thác và sử dụng CSDL gửi văn bản yêu cầu, cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng CSDL gửi phiếu yêu cầu đến cơ quan quản lý CSDL. Văn bản yêu cầu của tổ chức phải có chữ ký của người đứng đầu tổ chức và đóng dấu xác nhận. Phiếu yêu cầu của cá nhân phải có chữ ký của người yêu cầu khai thác và sử dụng CSDL.
Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu phải có các nội dung chính sau đây: Tên, địa chỉ của tổ chức; họ và tên, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của cá nhân; số fax, điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của tổ chức, cá nhân; danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp; mục đích khai thác và sử dụng dữ liệu; hình thức khai thác và sử dụng dữ liệu, phương thức nhận kết quả. Thông tư số 23/2023/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Yêu cầu về dữ liệu ảnh viễn thám khai thác mỏ lộ thiên từ 15/02/2024
Theo Thông tư số 26/2023/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật giám sát bằng công nghệ viễn thám đối với một số nội dung, hạng mục trong khai thác mỏ lộ thiên, từ ngày 15/02/2024 dữ liệu ảnh viễn thám khai thác mỏ lộ thiên phải đáp ứng các yêu cầu sau: Dữ liệu ảnh viễn thám phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu tại Điều 7 Thông tư số 26/2023/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định kỹ thuật về sản xuất ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao để cung cấp đến người sử dụng.
Dữ liệu ảnh viễn thám phải có độ phân giải không gian, thời gian phù hợp với yêu cầu nội dung và mức độ chi tiết của đối tượng giám sát, cụ thể như sau: Dữ liệu ảnh viễn thám độ phân giải lớn hơn 10 m: Phục vụ chiết tách thông tin giám sát khai thác và các đối tượng liên quan với mức độ chi tiết theo yêu cầu tương đương bản đồ chuyên đề tỷ lệ nhỏ hơn 1:50.000; Dữ liệu ảnh viễn thám độ phân giải cao từ 1 m đến 10 m: Phục vụ chiết tách thông tin giám sát khai thác và các đối tượng liên quan với mức độ chi tiết theo yêu cầu tương đương bản đồ chuyên đề tỷ lệ 1:10.000 - 1:50.000; Dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao dưới 1 m: Phục vụ chiết tách thông tin giám sát khai thác và các đối tượng liên quan với mức độ chi tiết theo yêu cầu tương đương bản đồ chuyên đề tỷ lệ 1:5.000 - 1:10.000; Dữ liệu UAV (Unmanned Aerial Vehicle - thiết bị bay không người lái): Phục vụ chiết tách thông tin giám sát khai thác và các đối tượng liên quan với mức độ chi tiết theo yêu cầu tương đương bản đồ chuyên đề tỷ lệ 1:5.000 hoặc lớn hơn.
Trong trường hợp dữ liệu ảnh viễn thám bị mây và thời điểm ảnh chụp cũ không đảm bảo yêu cầu giám sát thì đặt chụp ảnh viễn thám bổ sung.
Các bước cơ bản thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường
Theo Thông tư số 27/2023/TT-BTNMT các bước cơ bản thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường bao gồm: Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu; phân tích, đánh giá hiện trạng; thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo; thảo luận dự báo, cảnh báo; xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo; bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo; đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo.
Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia và tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia tuân thủ các bước thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định từ Điều 6 đến Điều 24 của Thông tư này, thường xuyên cập nhật quy trình chuyên môn, quy định về dự báo, cảnh báo KTTV. Thông tư 27/2023/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
Biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp
Theo Thông tư số 23/2023/TT-BNNPTNT quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp, biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp từ 01/02/2024 gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên; bảo vệ rừng ven biển; trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trên đất không có rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; phát triển rừng trồng gỗ lớn; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; quản lý rừng bền vững.
QUANG ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 7 năm 2024
Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn