Khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam

Chủ nhật - 24/03/2024 23:46

Việt Nam đã và đang khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.

Khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam

Ngày 7/2/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Chiến lược năng lượng). Chiến lược năng lượng Hydrogen đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.

Quan điểm phát triển

Phát triển năng lượng hydrogen trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa và thống nhất với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược và Quy hoạch có liên quan khác, có tính động và mở để thích ứng với bối cảnh và tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Phát triển năng lượng hydrogen theo chuỗi giá trị gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế hydrogen.

Khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngành dầu khí luôn giữ vai trò đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhất là những giá trị gia tăng từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc làm chủ công nghệ xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo ngoài khơi, góp phần giúp ngành dầu khí Việt Nam có thể cạnh tranh trên thế giới.

Phát triển năng lượng hydrogen với lộ trình hợp lý, gắn với lộ trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam và bám sát xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, nhất là công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh. Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên quốc gia để sản xuất năng lượng hydrogen phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giảm phát thải khí nhà kính. Chú trọng xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp để thúc đẩy sử dụng năng lượng hydrogen trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen. Khai thác có hiệu quả sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế (thông qua các tổ chức, chương trình hợp tác như COP2, JETP3, AZEC4,…) để thúc đẩy phát triển năng lượng hydrogen tại Việt Nam.

Đến năm 2030, Việt Nam sản xuất được năng lượng hydrogen xanh

Theo văn bản số 165/QĐ-TTg, Việt Nam phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của đất nước.

Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Việt Nam khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.

Cụ thể, về sản xuất năng lượng hydrogen, Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.

Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100-500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.

Định hướng đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.

Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10-20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện: Về cơ chế, chính sách; về đầu tư, tài chính; về khoa học công nghệ; về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; về hợp tác quốc tế; về truyền thông.

Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen để giảm phát thải khí ô nhiễm và khí nhà kính, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thúc đẩy ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, hiện đại để thực hiện chuyển dịch nhanh, mạnh sang nền kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, hướng đến đáp ứng các quy định về phát thải các-bon trên đơn vị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và thị trường cácbon. Triển khai xây dựng các công trình năng lượng có nguồn gốc hydrogen và cơ sở hạ tầng năng lượng có nguồn gốc hydrogen đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học,…; đảm bảo khả năng vận hành an toàn, ổn định, giảm tối đa những rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Cũng theo văn bản số 165/QĐ-TTg đã nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ thuộc các chương trình chống biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức, chương trình hợp tác quốc tế (COP, JETP, AZEC,…). Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược này.

Việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, cùng với nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi,…) dồi dào và giúp nước ta thực hiện được cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, cũng như xu thế phát triển chung của thế giới và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây