1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Luật BVMT năm 2020 gồm 16 Chương, 171 Điều, trong đó có giao cho Chính thủ hướng dẫn chi tiết thi hành tại 64 Điều. Một trong những điểm mới của Luật BVMT năm 2020 là quy định “chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định; cung cấp thông tin theo yêu cầu để phục vụ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất” (Khoản 21, Điều 105, Luật BVMT năm 2020).
Nghị định Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Điều 53) có quy định trước ngày 31/12/2022, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng BAT tại Việt Nam đối với 5 loại hình sản xuất bao gồm: Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; Sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); Sản xuất giấy, bột giấy; Sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi); Sản xuất xi măng. Nghị định cũng khuyến khích chủ dự án đầu tư, cơ sở không thuộc 5 loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nêu trên chủ động nghiên cứu, áp dụng BAT tại nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Quy định bắt buộc chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc 5 loại hình sản xuất và khuyến khích các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác áp dụng BAT là cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường tại Việt Nam trên cơ sở yêu cầu và tồn tại phải đổi mới công nghệ, nâng cấp biện pháp BVMT để đạt BAT; Dự án mới phải lựa chọn công nghệ nhằm đạt được các tiêu chí BAT.
Bài viết trình bày một số kinh nghiệm áp dụng BAT trên thế giới và đề xuất giải pháp thúc đẩy áp dụng BAT tại Việt Nam.
2. MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG KỸ THUẬT HIỆN CÓ TỐT NHẤT TRÊN THẾ GIỚI
Khái niệm về BAT đã được đưa vào Luật BVMT đầu tiên tại Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ trước. Một thập kỷ sau đó, tại châu Âu bắt đầu phổ cập khái niệm BAT. Tuy nhiên, gần đây nhiều nước trên thế giới (Nga, Hàn Quốc) mới đưa quy định BAT vào Luật BVMT. BAT được quy định trong các văn bản pháp luật về môi trường của một số quốc gia ở các cấp độ ràng buộc pháp lý khác nhau.
BAT là các công nghệ kỹ thuật tiên tiến đã được kiểm chứng về việc phòng ngừa, kiểm soát phát thải công nghiệp và các tác động môi trường mở rộng do hoạt động công nghiệp, các công nghệ này được phát triển ở quy mô cho phép trong các điều kiện khả thi về kinh tế và kỹ thuật [1]. Đến nay, ngày càng có nhiều nước sử dụng BAT hoặc các khái niệm tương tự như một phương tiện để xác định và thiết lập các giá trị giới hạn phát thải (ELV- Emission Limit Value) theo hướng dẫn kỹ thuật và các điều kiện khác có trong giấy phép môi trường của các cơ sở công nghiệp. Ngoài ra, BAT còn được sử dụng kết hợp với mức độ phát thải (BAT associated Emission Levels- BAT-AELs) và kết hợp với mức độ hiệu quả về môi trường (BAT associated Environmental Performance Levels -BAT-AEPLs).
Các quy định BAT của Liên minh Châu Âu (EU) bắt nguồn từ Chỉ thị năm 1984 về Chống ô nhiễm không khí từ các nhà máy công nghiệp [2], sau đó là Chỉ thị phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm tích hợp (IPPC) được thông qua vào năm 1996 [3], tiếp đến là Chỉ thị phát thải công nghiệp năm 2010 (IED) [4]. Như vậy có thể thấy, EU đã có hơn 30 năm để áp dụng và cải thiện cách tiếp cận với BAT.
Tại Liên bang Nga, chính sách có nền tảng từ BAT để phòng ngừa và kiểm soát phát thải đã được đưa vào năm 2014, trong quá trình sửa đổi Luật Liên bang về BVMT [5] và các đạo luật liên quan khác. Liên bang Nga có một phương pháp chuẩn hóa để xác định BAT dựa trên việc đánh giá và lựa chọn các kỹ thuật phòng ngừa và kiểm soát phát thải công nghiệp. Trong đó, BAT tại Liên bang thì không bị ràng buộc bởi pháp lý nhưng mức phát thải liên quan đến BAT (BAT-AELs) lại bị sự ràng buộc về mặt pháp lý.
Hàn Quốc bắt đầu áp dụng BAT từ năm 1990 khi các đạo luật về tác động môi trường trong hoạt động công nghiệp được ban hành. Đến năm 2015, Đạo luật về phòng ngừa và kiểm soát tích hợp các nguồn phát sinh ô nhiễm hay còn gọi là Đạo luật IPPC được thông qua nhằm tích hợp nội dung từ tất cả đạo luật cơ sở trước đó; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ để phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm, giảm chất ô nhiễm phát sinh tử các cơ sở kinh doanh bằng BAT. Hàn Quốc có một phương pháp chuẩn hóa để xây dựng BAT cho các môi trường khác nhau (đất, nước, không khí) cũng như các ngành công nghiệp khác [6].
Hoa Kỳ có một số chương trình áp dụng tiêu chuẩn hoạt động dựa trên công nghệ cấp quốc gia, tiểu bang hoặc cấp địa phương, thường dưới dạng các giá trị giới hạn phát thải (ELVs) cho các cơ sở công nghiệp. Các ELV có thể được quy định nhằm cho phép hoặc khuyến khích các kỹ thuật ngăn ngừa ô nhiễm, ví dụ: sử dụng các quy trình hoặc nguyên liệu không gây ô nhiễm, nhiên liệu sạch hoặc các quy trình tiết kiệm năng lượng hơn. Do đó, Hoa Kỳ không có chính sách BAT quốc gia, cũng như không có một quy trình xác định tiêu chuẩn hoạt động dựa trên công nghệ. Tuy không có tài liệu tham chiếu BAT nhưng tiêu chuẩn hiệu suất công nghệ vẫn được thu thập, phân tích, công bố rộng rãi và được hệ thống hóa trong “Bộ luật Quy định Liên bang”. Các tiêu chuẩn này chủ yếu là cho khí thải và nước thải [7].
Tại Ấn Độ không sử dụng khái niệm BAT như các quốc gia và khu vực khác như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên bang Nga. Trong đó, Ấn Độ đã bỏ qua một số quy tắc, tiếp cận và hướng dẫn liên quan đến việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm công nghiệp từ đó xây dựng nên tiêu chuẩn phát thải hoặc xả thải dành riêng cho các ngành gọi là Tiêu chuẩn quốc gia tối thiểu (MINAS). Các kỹ thuật phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm hóa chất từ các ngành công nghiệp (thường được gọi là kỹ thuật tốt nhất cho nền kinh tế có sẵn, thay vì BAT) được coi là một phần của MINAS [8].
Tại Trung Quốc, các công nghệ hiện có phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm (GATPPCs) đóng vai trò là đầu vào kỹ thuật nhằm đảm bảo tuân thủ các giới hạn phát thải (ELVs), hiện có sẵn gần 30 lĩnh vực công nghiệp. Cấu trúc của các GATPPC khác nhau tùy theo lĩnh vực, những nhìn chung các GATPPC đều có liên kết với các ELV. Theo đó, 8 trong số 19 GATPPC đã hoàn thiện và sử dụng thuật ngữ BAT, 11 GATPPC còn lại chỉ đơn giản đề cập đến các công nghệ sẵn có [9].
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ÁP DỤNG KỸ THUẬT HIỆN CÓ TỐT NHẤT TẠI VIỆT NAM
Để thúc đẩy áp dụng BAT tại Việt Nam, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ/cơ quan ngang Bộ có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng… triển khai một số giải pháp sau:
Một là, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng BAT tại Việt Nam đối với 5 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao, bao gồm: Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; Sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); Sản xuất giấy, bột giấy; Sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi); Sản xuất xi măng.
Thứ hai, xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng BAT đối với 5 loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao. Để xây dựng được BAT đối với các cơ sở sản xuất đang hoạt động phù hợp với điều kiện Việt Nam, cần xác định được hệ thống các tiêu chí xác định BAT bao gồm: Nhóm tiêu chí kỹ thuật (Định mức tiêu thụ nguyên vật liệu, hóa chất, nhiên liệu, năng lượng, nước…phục vụ cho sản xuất) và nhóm tiêu chí về môi trường (Hệ số phát thải đối từng chất ô nhiễm có trong khí thải, nước thải, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại…). Mỗi nhóm thông số kỹ thuật, môi trường được sử dụng để đánh giá BAT của một dây chuyền công nghệ đang hoạt động cụ thể. Nếu trong một cơ sở sản xuất có nhiều dây chuyền công nghệ, mỗi dây chuyền công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau thì cần phải xác định từng nhóm thông số cho từng dây chuyền công nghệ, cho từng loại sản phẩm. Quy trình xây dựng BAT đối với cơ sở sản xuất đang hoạt động phù hợp với điều kiện Việt Nam bao gồm 5 bước: (1) Xác định số lượng các cơ sở sản xuất trong một ngành có công nghệ tương tự, lập danh mục các cơ sở cần điều tra, khảo sát thực tế; (2) Lập mẫu phiếu điều tra trong đó có các thông tin chung; thông tin về công nghệ sản xuất; công suất sản phẩm; các thông số kỹ thuật (tiêu thụ nguyên vật liệu, hóa chất, nhiệt, điện, nước); các thông số môi trường (đặc trưng khí thải, nước thải (lưu lượng, nồng độ), chất thải rắn, chất thải nguy hại); công nghệ xử lý chất thải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường; (3) Tiến hành điều tra thực tế, đo đạc, lấy mẫu, phân tích theo mẫu phiếu điều tra đã lập ở bước 2 tại các cơ sở sản xuất đã nêu tại bước 1; (4) Tính toán các các thông số kỹ thuật và các thông số môi trường đối với mỗi nhà máy; (5) Lập bảng so sánh để xác định các thông số tương ứng với kỹ thuật thực tế tốt nhất (giá trị thấp nhất của từng thông số được điều tra) của ngành sản xuất.
Thứ ba, xem xét công nhận BAT đã được áp dụng tại nhóm các nước công nghiệp phát triển để áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Chỉ có thể áp dụng BAT của các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các dự án đầu tư mới (đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài) tại Việt Nam.
Thứ tư, định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục BAT bảo đảm phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ. Do các thông số đánh giá BAT sẽ thay đổi theo thời gian theo hướng ngày càng tốt hơn phụ thuộc vào trình độ công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải và trình độ quản lý sản xuất, quản lý môi trường. Do vậy, BAT sẽ chỉ phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định và chỉ phù hợp cho một quốc gia, một vùng lãnh thổ nhất định. Không thể lấy các thông số BAT của 5-10 năm trước để áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Mỗi quốc gia, trong một khoảng thời gian nhất định cần phải thiết lập một bộ các thông số BAT phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia mình.
Thứ năm, ban hành các chính sách, giải pháp về kinh tế nhằm khuyến khích chủ dự án đầu tư, cơ sở không thuộc 5 loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nêu trên chủ động nghiên cứu, áp dụng BAT tại nhóm các nước công nghiệp phát triển.
4. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở học tập kinh nghiệm áp dụng BAT tại các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, tác giả đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy áp dụng BAT tại Việt Nam, bao gồm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng BAT tại Việt Nam, xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật BAT đối với các cơ sở đang hoạt động thuộc 5 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xem xét công nhận BAT đã được áp dụng tại nhóm các nước công nghiệp phát triển để áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại Việt Nam; định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục BAT bảo đảm sự phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; ban hành các chính sách, giải pháp về kinh tế khuyến khích áp dụng BAT.
Kiến nghị Bộ TN&MT, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện về pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật về BAT đối với 5 nhóm ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. OECD (2018), Best available techniques (BAT) for preventing and controlling industrial pollution.
[2]. EU (1984), Council Directive 84/360/EEC of 28 June 1984 on the combating of air pollution from industrial plants.
[3]. EU (2000), Directive 2000/60/EC of the European Parliament and of the Council of 23 October 2000 establishing a framework for Community action in the field of water policy.
[4]. EU (2010), Directive 2010/75/EU of the European Parliament and of the Council of 24 November 2010 on industrial emissions (integrated pollution prevention and control).
[5]. Government of the Russian Federation (2014a), "Federal Law No. 219-FZ amending Federal Law No. 7- FZ on environmental protection", www.ecolex.org/details/legislation/federal-law-no-219-fzamending-federal-law-no-7-fz-on-environmental-protection-lex-faoc140704/.
[6]. Lee, D., H. Yoo and Y. Kim (2017), "Korea's transition to the IPCC: Introduction of BAT-based Integrated ACT", 19th EGU General Assembly, EGU2017, proceedings from the conference held 23- 28 April, 2017 in Vienna, Austria, p.19402, http://adsabs.harvard.edu/abs/2017EGUGA..1919402L.
[7]. EPA (n.d.f), "New Source Performance Standards", www.epa.gov/stationary-sources-air-pollution/newsource-performance-standards.
[8]. EPA (n.d.i), "National Emission Standards for Hazardous Air Pollutants (NESHAP)" www.epa.gov/stationary-sources-air-pollution/national-emission-standards-hazardous-air-pollutantsneshap-9.
[9]. Liu, X. and Z. Wen (2012), “Best available techniques and pollution control: a case study on China’s thermal power industry”, Journal of Cleaner Production, Vol. 23, pp. 113-121.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)
Nguồn tin: tapchimoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn