Không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, 3 thủy điện bị xử phạt 825 triệu đồng

Thứ hai - 21/02/2022 03:05
Bộ TN&MT vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty cổ phần thủy điện với tổng số tiền 825 triệu đồng, do không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng.
Hoạt động khai thác nước đang diễn ra quá mức cần thiết. (Ảnh minh họa)
Hoạt động khai thác nước đang diễn ra quá mức cần thiết. (Ảnh minh họa)

Dòng chảy tối thiểu (còn gọi là dòng chảy môi trường) là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông; bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên được xác định trong quy hoạch lưu vực sông.

Nhưng do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương và nhận thức chưa đầy đủ trong việc xác định dòng chảy tối thiểu, nên hoạt động khai thác nước đang diễn ra quá mức cần thiết. Quy trình vận hành hồ chứa chưa có vào mùa khô hoặc không đảm bảo yêu cầu, các hiện tượng tự nhiên diễn biến ngày càng phức tạp.

Hệ lụy là các dòng sông thường xuyên bị cạn nước không đảm bảo duy trì dòng chảy liên tục. Vận tốc và lưu lượng dòng chảy nhỏ làm giảm khả năng tự làm sạch của sông. Các loài thực vật phát triển quá nhiều hai bên bờ sông; cao trình lấy nước không đảm bảo; trở ngại trong giao thông thủy; thiếu nước cho phát điện...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, rất cần coi trọng dòng chảy tối thiểu nhằm hỗ trợ cho cấp phép khai thác sử dụng nước; quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, góp phần quản lý tổng hợp lưu vực sông để duy trì sự sống cho các dòng sông.

Gần đây, Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha có địa chỉ tại tỉnh Sơn La bị Bộ Tài nguyên và Môi trường bị xử phạt vi phạm hành chính 255 triệu đồng do không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu từ ngày 1/1/2019 đến ngày 9/12/2021 tại Công trình thủy điện Nậm Hóa 2 (thuộc địa bàn xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Ngoài ra, Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Anpha còn không lưu trữ thông tin, số liệu quan trắc theo quy định từ ngày 1/1/2019 đến ngày 9/12/2021 tại Công trình thủy điện Nậm Hóa 2. Hành vi này vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Tương tự, Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Lừm (có địa chỉ tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) cũng bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 220 triệu đồng, do không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định từ ngày 1/1/2019 đến ngày 15/12/2021 tại Công trình thủy điện Suối Lừm 1 thuộc xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Riêng Công ty Cổ phần điện Viettracimex Lào Cai (có địa chỉ tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính “nặng” nhất với tổng số tiền 350 triệu đồng.

Không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, 3 thủy điện bị xử phạt 825 triệu đồng - Ảnh 2

Cần coi trọng dòng chảy tối thiểu nhằm hỗ trợ cho cấp phép khai thác sử dụng nước. (Ảnh minh họa)

Lý do là Công ty Cổ phần điện Viettracimex Lào Cai không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/11/2021 tại Công trình thủy điện Tà Thàng nằm trên địa bàn các xã Suối Thầu, Thanh Bình (thị xã Sa Pa) và Gia Phú (huyện Bảo Thắng), tỉnh Lào Cai.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần điện Viettracimex Lào Cai còn làm sai lệch số liệu quan trắc, giám sát tài nguyên nước từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2020 tại Công trình thủy điện Tà Thàng. Điều này vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

4 nguyên tắc xác định dòng chảy tối thiểu, đó là: việc xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu hồ chứa phải được thực hiện đối với từng vị trí cụ thể trên sông, suối và phải đảm bảo tính hệ thống trên lưu vực sông.

Nguyên tắc  tiếp theo là, bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, giữa các địa phương ở thượng du và hạ du.

Tiếp đó là, phù hợp với đặc điểm nguồn nước, chế độ dòng chảy trên sông, suối, đặc điểm địa hình, nhu cầu sử dụng nước, vai trò của sông, suối trong hệ thống sông và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với quy mô, phương thức khai thác, khả năng vận hành điều tiết nước của hồ chứa.

Cuối cùng là, phù hợp với các thỏa thuận và cam kết chia sẻ lợi ích trong khai thác, sử dụng nước với các quốc gia láng giềng có chung nguồn nước.

Tác giả: Nguyễn Linh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây