Để góp phần bảo vệ môi trường cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là các chất POP) và cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Nhằm quản lý và kiểm soát sự xuất hiện của các chất POP trong quá trình sản xuất, Luật BVMT 2020 đã quy định việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị tại Khoản 5 Điều 97 và nguyên tắc xây dựng Quy chuẩn này tại khoản 3 Điều 98. Theo đó, Bộ TN&MT đã giao cho Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất POP trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (dự thảo Quy chuẩn). Để hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị”.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước có liên quan và đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội như: các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Hải quan, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota, Công ty Sơn Nippon, Hiệp hội Mỹ phẩm Việt Nam,…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Lê Hoài Nam cho biết để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất POP trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Dự thảo Quy chuẩn này đã tập trung quy định giới hạn tối đa cho phép của các chất POP mới trong các ngành/lĩnh vực công nghiệp điển hình. Hiện Dự thảo Quy chuẩn đã được lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội/doanh nghiệp và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.
“Thông qua Hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý cho dự thảo Quy chuẩn này để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững của Việt Nam đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stockholm trong quản lý an toàn và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP”, Ông Lê Hoài Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, thay mặt cho Tổ soạn thảo Quy chuẩn, đại diện Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trình bày tóm tắt các nội dung trong dự thảo Quy chuẩn, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn; đồng thời cũng bày tỏ sự quan tâm đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện Quy chuẩn sau khi được ban hành, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong quá trình thực hiện Công ước Stockholm,… Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã giải đáp, giải trình tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Ông Lê Hoài Nam cho biết Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn và gửi lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin; tiếp tục gửi lấy ý kiến các bộ/ngành và các hiệp hội có liên quan đối với một số nội dung đặc thù; đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân tích cực chia sẻ thông tin giúp cơ quan chủ trì có thể hoàn thiện Quy chuẩn với chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để Quy chuẩn sau khi ban hành có tính thực tiễn và thực thi cao.
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn