Giảm thiểu 'ô nhiễm trắng' trong du lịch

Thứ hai - 20/02/2023 04:08
Lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả lượng lớn chất thải ra môi trường, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa - còn gọi là 'ô nhiễm trắng'.
Giảm thiểu 'ô nhiễm trắng' trong du lịch

Rác thải nhựa bủa vây bờ biển

Chai nhựa, túi ni lông “bủa vây” bờ biển

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế thiên nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, trước khi dịch bệnh bùng phát, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu ngành du lịch cả nước.

Đáng nói, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Thành phần rác thải nhựa tại các bãi biển chủ yếu là các sản phẩm tiện ích dùng một lần như: túi ni lông, hộp xốp, vỏ sữa, chai nhựa, ống hút nhựa… Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), lượng rác thải nhựa tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối phó với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, nếu không có các biện pháp giảm thiểu lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019, nguy cơ những địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường sống sẽ trở thành hiện hữu.

Không chỉ biển, các vườn quốc gia cũng đối mặt với nạn ô nhiễm, phá vỡ, bị hủy hoại tính nguyên vẹn của các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện, nước ta có 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học cùng với các tài nguyên tự nhiên như địa hình, khí hậu, sông ngòi… Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam là rất lớn. Nhưng một số nơi du lịch phát triển sinh thái phát triển quá “nóng” lại mang tính mùa vụ, gây ra những tác động tiêu cực về môi trường, cảnh quan.

Hành động ngay để cứu môi trường và du lịch

Có thể thấy, với số lượng khách du lịch ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều sẽ tạo ra lượng chất thải nhựa ngày càng lớn, trong khi thời gian phân hủy rất dài sẽ gây áp lực lớn và vượt quá khả năng tự phục hồi của môi trường. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là tác động tiêu cực làm giảm giá trị tăng trưởng các ngành sản xuất, chi phí để cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng…

Đáng lo ngại là nhiều khách du lịch chưa có ý thức trong hành trình đi du lịch của mình và người dân sinh sống ở các khu du lịch cũng chưa có nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa tác động tới môi trường.

Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, trên thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”.

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Dự án được triển khai trong 2 năm 2023-2024 với 3 hợp phần chính: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu/điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không giảm rác thải nhựa”; Xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng quản lý giảm rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, vấn đề ô nhiễm giảm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan môi trường, qua đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều chương trình về phát triển du lịch làm sao đáp ứng kỳ vọng phát triển của ngành, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành du lịch cũng sẽ ban hành tiêu chí quy định những nội dung cụ thể về giảm thiểu rác thải nhựa nhằm triển khai dự án hiệu quả.

Nhân rộng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa

Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm dự án giảm thiểu rác thải nhựa. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn cho hay, để triển khai dự án hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị triển khai du lịch xanh, không sử dụng chất thải nhựa. Việc này cần phải được cộng điểm khi đánh giá chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Duy Phong, địa phương sẽ tập trung thu gom rác thải, tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải, trước mắt thí điểm ở Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Vân Long…

Để giảm thiểu rác thải nhựa một cách thực chất, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, Văn phòng điều phối – UNDP cho biết, cần phải hạn chế giảm rác thải nhựa từ đầu nguồn, tại các cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, điểm đến. “Các địa phương, doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour nhặt rác như hiện nay cũng là một hoạt động rất đáng nhân rộng, nhưng đó mới chỉ là xử lý ở cuối nguồn”, bà Huyền nói.

Với dự án lần này, UNDP kỳ vọng huy động được sự tham gia của các tỉnh, các đơn vị có liên quan của các bộ, ngành, dự án sẽ lan tỏa được các bài học kinh nghiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch ra nhiều địa phương, nhiều điểm đến và cả nước. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, luật về bảo vệ môi trường, chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn…, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vi phạm trong việc xả thải. Trong những nguyên nhân chính có thể kể tới chế tài xử lý còn chưa đủ răn đe, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn/giam-thieu-o-nhiem-trang-trong-du-lich-cid17674.html

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây