Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ bảy - 27/02/2021 21:32

Sự cần thiết xây dựng Quy hoạch

Tài nguyên nước của Việt Nam đang phải chịu rất nhiều sức ép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia như: trên 60% nguồn nước mặt sản sinh từ nước ngoài, phân bố không đều theo không gian và thời gian; tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra, đặc biệt tại các đoạn sông và khu vực gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu dân cư tập trung; tình hình suy thoái, cạn kiệt nguồn nước cũng đang gia tăng do việc bị khai thác quá mức, nhất là trong mùa khô dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn trong sử dụng nước; việc khai thác quá mức nguồn nước dưới đất đang làm cho mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục ở một số nơi; đồng thời các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn càng làm gia tăng thêm việc thiếu nước về mùa khô. Trong khi đó, mới hoàn thành điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất ở mức độ sơ bộ trên phạm vi toàn quốc (điều tra, đánh giá tổng hợp, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất, bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:200.000 phủ kín toàn quốc); điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất còn rất hạn chế, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6,0%, tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%, điều tra, đánh giá chi tiết (tỷ lệ 1:25.000) gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt thực hiện ở mức tổng quan; thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đang đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt, 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất và thực hiện một số hoạt động điều tra cơ bản phục vụ giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác quản lý tài nguyên nước chưa đảm bảo nhu cầu thông tin số liệu để phục vụ công tác quản lý, quy hoạch tài nguyên nước được quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.

Để đảm bảo thông tin số liệu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch như đã nêu trên, cũng như các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng việc thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là hết sức cần thiết.

Quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia

Theo Dự thảo, Quy hoạch được thực hiện đối với các nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, nguồn nước nội tỉnh trên phạm vi toàn quốc và bao gồm các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại Điều 12 Luật Tài nguyên nước. Kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là 10 năm, tầm nhìn 20 năm.

Dự thảo Quy hoạch cũng đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành đến năm 2030. Trong đó, sẽ xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia, địa phương; hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát phối hợp vận hành của tất cả các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, địa phương và cơ sở dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, ngành, địa phương; công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, báo cáo tài nguyên nước quốc gia (theo giai đoạn 5 năm một lần) vào năm 2025, 2030; báo cáo sử dụng nước hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước; điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất và tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất liên tỉnh, nội tỉnh; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi cả nước…

Về tầm nhìn đến năm 2050, cơ bản thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đáp ứng được yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định các nhiệm vụ chính cần thực hiện về xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia; hệ thống cảnh báo, dự báo tài nguyên nước; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát vận hành hồ chứa; hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; xây dựng và tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; điều tra, đánh giá tổng hợp nước dưới đất và tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; và thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý;…

Về thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, căn cứ việc đánh giá thực trạng công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước trên cả nước, nhu cầu sử dụng thông tin, số liệu về tài nguyên nước của các cấp, ngành và khả năng của nguồn lực, dự thảo Quy hoạch cũng đã đưa ra thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ cho các giai đoạn từ nay đến năm 2025 và từ năm 2026 đến năm 2030.

Về giải pháp thực hiện, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, dự thảo đã xác định 6 nhóm giải pháp chính để thực hiện Quy hoạch, gồm:

Một là, hoàn thiện, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với Luật ngân sách theo hướng tăng cường xã hội hóa, nhà nước mua thông tin số liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước từ các tổ chức, cá nhân và đảm bảo cơ chế đấu thầu, đặt hàng.

Hai là, xây dựng cơ chế quản lý, cấp vốn cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước bằng nguồn thu từ các hoạt động tài nguyên nước và phí sử dụng thông tin, số liệu tài nguyên nước.

Ba là, đổi mới, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với trình độ phát triển và năng lực công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực.

Bốn là, tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp, thiết bị, mô hình, công cụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có độ chính xác cao, sử dụng có hiệu quả trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước và phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tài nguyên nước.

Năm là, xây dựng danh mục các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đồng thời có cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo hình thức công - tư để cung cấp dịch vụ công.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ về điều tra, đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước của các nước tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ, mô hình, công cụ phân tích, đánh giá hiện đại trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước. Ưu tiên hợp tác quốc tế đối với các quốc gia chung nguồn nước với Việt Nam.

Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây