Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020
Phòng Quan trắc, Cảnh báo môi trường
2021-03-29T04:13:51-04:00
2021-03-29T04:13:51-04:00
https://scem.gov.vn/vi/tin-tuc-trung-tam/chu-truong-chinh-sach/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-thi-hanh-luat-bao-ve-moi-truong-2020-64.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam
https://scem.gov.vn/uploads/50_3-new-logo-mr-hung.png
Thứ tư - 10/03/2021 03:09
Ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 413/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.
Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Xác định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ trong thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
Việc triển khai Kế hoạch phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Bộ trưởng; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn bị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan, đơn bị thuộc Bộ, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc.
Có lộ trình thực hiện cụ thể để khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước; Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Kế hoạch đề ra các nhóm nội dung chính để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm: Tổ chức rà soát văn bản pháp luật; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Bảo vệ môi trường.
Tổ chức rà soát văn bản pháp luật
Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; tổng hợp kết quả rà soát trong tháng 6 năm 2021.
Cục Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; gửi kết quả rà soát về Tổng cục Môi trường trong tháng 6 năm 2021 để tổng hợp;
Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; gửi kết quả rà soát về Tổng cục Môi trường trong tháng 6 năm 2021 để tổng hợp.
Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi, chức năng quản lý của mình có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; gửi kết quả rà soát về Tổng cục Môi trường trong tháng 6 năm 2021 để tổng hợp.
Các Cục, Vụ trực thuộc Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi, chức năng quản lý của mình có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; gửi kết quả rà soát về Tổng cục Môi trường trong tháng 6 năm 2021 để tổng hợp.
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ môi trường
Tổng cục Môi trường và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm soạn thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, Tổng cục Môi trường được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường; Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường (điểm b khoản 2 Điều 8); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí (điểm a khoản 2 Điều 14); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường (điểm c khoản 1 Điều 19); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn (điểm e khoản 2 Điều 58).
Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường được giao chủ trì soạn thảo các nội dung của Nghị định và Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. 57 nội dung của Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường gồm: Quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí/ nước mặt; Quy định chi tiết trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí; Quy định chi tiết bảo vệ môi trường đất; Quy định chi tiết điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường sách tài nguyên và môi trường di sản thiên nhiên; Quy định việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch tỉnh; Quy định chi tiết danh mục chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường, ...
Tổng cục Môi trường cũng được giao chủ trì soạn thảo 31 nội dung của Thông tư quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường gồm: Hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với lưu vực sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước thuộc lưu vực sông, hồ liên tỉnh; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí; Quy định chi tiết tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mức độ ô nhiễm; Hướng dẫn xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; Quy định nội dung đánh giá môi trường chiến lược/ đánh giá tác động môi trường; Quy định chi tiết việc tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định; công khai danh sách hội đồng thẩm định; biểu mẫu văn bản, tài liệu của hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thời hạn lấy ý kiến quy định tại điểm d khoản 3 Điều này, ...
Để thực hiện thành công Kế hoạch thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trong phạm vi quản lý của mình chủ động, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm.
Hàng năm, Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan đánh giá, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ và tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Kế hoạch này.
Mời xem và tải toàn văn tại đây: Quyết định số 413/QĐ-BTNMT ngày 9/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường./.